Tin Hà Tĩnh

Thực trạng nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh: Góc nhìn của cơ quan chức năng

Nhận định không thể cầu toàn, khi mức đầu tư thấp, giá bán rẻ, căn hộ nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh khó tránh khỏi thực trạng như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, cơ quan chức năng và chuyên môn còn cho biết, hiện khu nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh cung không đủ đáp ứng cầu.

Như đã nói ở bài trước, sau 2 đợt mưa lũ lịch sử, thực trạng nhà ở xã hội ở TP Hà Tĩnh bị thấm dột, tạt nước vào một số căn hộ đã được ghi nhận. Phía Ban quản trị tòa nhà đã có những lý giải về góc độ chuyên môn.

Để có góc nhìn rõ hơn, PV Báo Bảo vệ pháp luật đã tìm gặp cơ quan chuyên trách để có những nhìn nhận, lý giải thấu đáo.

“Không thể tuyệt đối 100% được”!

Đây là nhận định của ông Tô Thái Hòa – Trưởng phòng quản lý đô thị, trực thuộc UBND TP Hà Tĩnh khi nói về thực trạng ngập lụt và những bất cập xung quanh nhà ở xã hội tại phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh.

Theo ông Hòa, có một thực tế là nền đô thị của TP Hà Tĩnh hơi thấp so với các đô thị khác, chỉ ở mức 2.5 đến 3.5. Đây là thực tế phải chấp nhận, không thể nâng nền quy hoạch toàn thành phố lên được nữa.

Về quy hoạch khu nhà ở xã hội, ông Hòa cho biết vị trí đó phù hợp với các tuyến đường xung quanh và nhu cầu phát triển quy hoạch đô thị TP Hà Tĩnh. Về cao độ nền, cũng đã được tính toán.

“Việc ngập ngập lụt như vậy không chỉ khu nhà xã hội ngập, mà là toàn thành phố ngập. Trận mưa vừa rồi là lịch sử, ta không thể dự đoán được. Có nơi ở thành phố này mưa trên 1.000mm.” - Ông Hòa nói.

Ông Tô Thái Hòa - Trưởng phòng quản lý đô thị TP Hà Tĩnh trong buổi làm việc với PV Báo Bảo vệ pháp luật.


Theo đó, quy hoạch khu vực này đã được tính về lưu vực thoát nước, hệ thống thoát nước về kênh phía Tây. Việc quy hoạch khu này vẫn chưa hoàn thành, vì còn đấu nối với đường Hàm Nghi, hồ điều hòa…

Cũng theo ông Hòa, cuối tuyến kênh thoát nước phía Tây, có quy hoạch trạm bơm, khi có trạm bơm rồi thì sẽ bơm nước ngập lụt.

“Đây là bài toán của cả thành phố chứ không phải riêng nhà ở xã hội” – ông Hòa nói.

"Chất lượng nhà xã hội ở Hà Tĩnh so với chung cư ở các thành phố lớn là vượt trội"


Về một số căn hộ bị tạt nước vào nhà, ông Tô Thái Hòa cho rằng, cần đánh giá ở góc độ thiết kế, kiến trúc chuyên môn. Tuy nhiên, ông Hòa cũng nhận định chất lượng nhà xã hội ở Hà Tĩnh so với chung cư ở các thành phố lớn là vượt trội, dẫu mức đầu tư thấp hơn, giá bán cho người dân thấp hơn.

“Nhà ở xã hội không thể so sánh với chung cư cao cấp. Từng đó tiền, thấp hơn những nơi khác 1,5 lần, mà có 1 căn hộ như thế là rất tốt. Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu mua căn hộ ở đó rất cao” – Ông Hòa nói.

“Việc ngập lụt nằm trong ngưỡng cho phép”

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hà – Phó Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Hà, việc ngập lụt ở các đô thị đã được tính đến. Như TP Hà Tĩnh, là đô thị loại 2, tần suất ngập lụt được tính là 4%, cho phép 25 năm ngập nặng 1 lần.

“Tần suất ngập lụt là như vậy, nhưng chỉ được tính ngập lụt trong thời gian 48 tiếng. Đồng nghĩa với hệ thống điện, nước…có mất, gián đoạn chỉ được phép trong ngưỡng này” – Ông Hà cho biết.

Khuôn viên nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh trong đợt ngập lụt lịch sử ngày 19/10.


Theo ông Hà, việc nghiên cứu quy hoạch và các tiêu chuẩn phát triển đô thị TP Hà Tĩnh hiện nay đã được làm từ năm 1991, các thông số khi đó là chuẩn.

Một lãnh đạo Sở xây dựng Hà Tĩnh cũng cho biết, việc phê duyệt quy hoạch cũng như thiết kế xây dựng khu nhà ở xã hội đã được làm bài bản, căn cứ vào quy hoạch tổng thể chung.

Ban quản trị tòa nhà ghi nhận ý kiến phản ánh của cư dân.


Nhận định về nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở xây dựng Hà Tĩnh cho biết đây là một chủ trương ưu việt, được thực hiện đúng đắn, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước; phù hợp chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Ở góc nhìn về thiết kế và chuyên môn, Giám đốc công ty tư vấn kiến trúc Hà Tĩnh, Thạc sỹ Lê Đình Hợp cho biết, đợt mưa bão vừa qua, các căn hộ bị gió bão thổi nước tạt vào nhà là khó tránh khỏi, nhất là ở hướng đón gió bão trực tiếp.

“Nhà riêng của dân với vật liệu cao cấp cũng khó tránh khỏi nước mưa tạt vào cửa nhôm kính qua khe hở, qua roăng cao su bị co giãn, chứ không riêng gì nhà ở xã hội. Gió bão vừa rồi mạnh như vậy, không thể tránh khỏi nước mưa tạt vào nhà”- Thạc sỹ Hợp nói.

Thạc sỹ Lê Đình Hợp - Giám đốc công ty tư vấn kiến trúc Hà Tĩnh.


Về khe co giãn giữa các tòa nhà, Thạc sỹ Lê Đình Hợp cho biết đây là yêu cầu kiến trúc bắt buộc, giữa các tòa nhà, khối nhà.

“Do đặc điểm nền địa chất không đồng đều, nên bắt buộc các tòa nhà, khối nhà có chiều dài trên 40m phải có khe co giãn. Khe co giãn này, lộ ra là điều bình thường, không phải nứt, gãy bê tông gì cả. Mưa gió lớn, thấm qua gờ vào khe co giãn cũng khó tránh khỏi” – Thạc sỹ Hợp cho biết và nói thêm: Tại thời điểm xây dựng, Chính phủ quy định mức đầu tư 8,3 triệu/1m2, nhưng khu nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh chỉ đầu tư ở mức 5,7 đến 5,8 triệu/1m2, đó là cả một sự nổ lực về thiết kế, kiến trúc, xây dựng, góp phần giảm chi phí đầu ra khi đến tay người dân.

Trưởng Ban quản trị Trần Trung Sơn trong buổi làm việc với PV Báo Bảo vệ pháp luật.


Ông Trần Trung Sơn - Trưởng Ban quản trị, đại diện cho cư dân nhà ở xã hội Hà Tĩnh cho biết, trong 2 đợt mưa bão, ngập lụt lịch sử vừa rồi, đã ghi nhận thực trạng thấm, ngấm, nước tạt vào những căn hộ ở các tòa nhà. Những vấn đề này, được cư dân báo lên, Ban quản trị ghi nhận và báo cho chủ đầu tư để khắc phục kịp thời.

"Trước mưa lũ, bão vào, chủ đầu tư, Ban quản trị đã thông báo đến từng chủ hộ, từng người dân đang sinh sống ở đây để có biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn. Nhưng thực trạng thấm, ngấm, nước tạt vào nhà vẫn xảy ra. Phía chủ đầu tư và kỷ thuật đã hỗ trợ cư dân khắc phục lỗi nhỏ trước mắt, lỗi lớn thì cần phải có thời gian" - ông Sơn nói.

Tác giả: Bùi Tiến

Nguồn tin: Báo BVPL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP