Mới đây, đoàn công tác của Chính phủ với sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương đã làm việc với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh về công tác đền bù thiệt hại từ sự cố môi trường biển.
Làm việc với các địa phương, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đến nay, biển ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã hoàn toàn sạch. Đặc biệt, sau khi kiểm soát cửa xả thải của Formosa Hà Tĩnh thì môi trường biển đã tự phục hồi tốt hơn.
Tiêu lượng môi trường nước biển, lượng trầm tích biển, màng bám keo tụ rồi hệ sinh thái san hô và nguồn lợi cỏ biển hoàn toàn đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, đạt quy chuẩn đối với bãi tắm, thể thao dưới nước và môi trường thủy sinh.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về môi trường biển ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
PV: Thưa ông, đến thời điểm này, môi trường biển ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ như thế nào?
Ông Võ Tuấn Nhân: Đến thời điểm này, có thể khẳng định môi trường nước, môi trường trầm tích và cả môi trường tự nhiên nói chung ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật Việt nam.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (Ảnh: baodautu) |
Do đó đáp ứng được điều kiện để người dân nuôi trồng thủy sản, tắm biển và các hoạt động thể thao trên biển, kể cả môi trường cho sinh vật biển phát triển bình thường.
PV: Hiện nay, môi trường biển ở khu vực này, gồm hệ san hô, các nguồn lợi thủy sản đã phục hồi chưa và người dân có thể đánh bắt được chưa, thưa ông?
Ông Võ Tuấn Nhân: Cho đến hiện nay, xu hướng phát triển của các rạn san hô, cỏ biển ngày càng tốt hơn. Qua 7, 8 tháng, chúng tôi cũng có quan trắc và theo dõi thì hiện nay, các rạn san hô, đặc biệt là những vùng san hô giàu phát triển rất là tốt.
PV: Ông khuyến cáo là ngư dân có thể ra khơi đánh bắt và hải sản đánh bắt ven bờ, vùng lộng ở các tỉnh miền Trung có thể tiêu dùng được chưa?
Ông Võ Tuấn Nhân: Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo từ tháng 10 là ngư dân có thể đánh bắt từ vùng từ 20 hải lý trở ra. Còn vùng bên trong thì đánh bắt ở tầng nước trên. Vì có 2 lý do, một là cá cũng còn nhỏ, thứ hai là ở phía dưới trầm tích, có khả năng cá có thể nhiễm các chất độc.
Nhưng đến thời điểm này, trên các vùng biển, theo cá nhân tôi và theo khảo sát nghiên cứu gần đây, thì có thể đánh bắt thủy sản ở nhiều nơi. Nhưng tôi cũng khuyến cáo đánh bắt xa bờ là tốt nhất. Vì bên trong cá còn nhỏ, thứ hai nữa thì cũng để tạo môi trường sinh thái sớm trở lại bình thường.
Trước đây, ngay cả những vùng không xảy ra sự cố, người ta cũng khuyến cáo không đánh bắt giã cào, không đánh bắt gần bờ, làm cạn kiệt tài nguyên mà nên đánh bắt từ 20 hải lý trở ra thì rất là tốt
PV: Như ông vừa cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đóng cửa xả thải của Fomosa Hà Tĩnh. Làm thế nào để chúng ta có thể quản lý, giám sát, để họ không thể xả thải ngầm ra biển mà chúng ta không biết được?
Ông Võ Tuấn Nhân: Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay đang giám sát một cách nghiêm ngặt xả thải của Formosa. Formosa đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường và vẫn tiếp tục vận hành thử nghiệm. Nhưng mà khi vận hành thử nghiệm thì họ phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt đúng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Trước đây, như chúng tôi đã công bố là có nhiều lỗi vi phạm, thì đến nay, họ đã khắc phục hầu hết các lỗi vi phạm đó. Đặc biệt là những công trình lớn, cần tiến độ thời gian, cần có lộ trình và sang quý 1 năm 2017 phải hoàn thành.
Đặc biệt, để tránh việc xả thải ngầm ra biển, có khả năng gây ra sự cố như vừa qua, chúng tôi yêu cầu Formosa phải xây dựng hồ sinh học, diện tích khoảng 10ha và có quy trình chứa lại nước sau khi được xử lý, để lưu giữ lại đó ít nhất 5-7 ngày, sau đó mới xả ra biển. Do đó đảm bảo cho quá trình kiểm soát của người dân, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và ngay chính Công ty cũng yên tâm, tránh được sự cố bất ngờ có thể xảy ra trước khi nước ra đường ống ngầm xả ra biển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.