Kinh tế

‘Thủ phủ’ heo miền Tây lao đao, muốn được giải cứu

Nhiều chủ trang trại và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đề xuất nên mở nhiều quầy thịt ở khắp các huyện thị và liên kết với nhiều tỉnh, thành trong cả nước để giải cứu cho người chăn nuôi.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang hôm qua (12-5) đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo trên địa bàn. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Tiền Giang, tại vùng ĐBSCL, Tiền Giang là tỉnh dẫn đầu về đàn heo. Hiện toàn tỉnh có 42.688 cơ sở, hộ chăn nuôi heo, tổng đàn trên 700.000 con.

Thê thảm

Liên tiếp từ cuối năm 2016 đến nay giá heo liên tục giảm mạnh, từ mức 5,2 triệu đồng/tạ xuống còn 2,5 triệu đồng/tạ khiến người chăn nuôi bị lỗ nặng. Tình hình chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, hiện tại nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang buộc phải cố gắng duy trì do chuồng trại và con giống sẵn có.

Một số hộ chăn nuôi sẵn sàng ngừng hẳn, treo chuồng vì không còn vốn để cầm cự, một số hộ thực hiện giảm đàn. Trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Minh, chủ trang trại heo ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, đang còn tồn 1.700 con. Ông Minh cho biết đã nuôi heo nhiều năm nay, chưa năm nào bị lỗ nặng như hiện nay khi giá heo rớt thê thảm.

Trong khi ông Phan Văn Tiến, Tổ hợp tác chăn nuôi heo ở xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, cho biết hiện tại tổ hợp tác của ông còn tồn 800 con heo nái và 8.000 con heo thịt đang trong giai đoạn xuất chuồng. Trước đây, bình quân mỗi tháng tổ hợp tác của ông Tiến xuất bán 900 con heo thịt.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua tất cả nông hộ trong thành viên đều chịu lỗ, giá bán thấp, thị trường đầu ra không có.

Hiện nay người nuôi heo không chỉ đối mặt với đầu ra rớt giá, thị trường tiêu thụ cũng bị nghẽn, người dân rơi vào tình cảnh khốn đốn. Ông Tiến đại diện cho những hộ chăn nuôi trên địa bàn đề nghị chính quyền, ngành chức năng ủng hộ việc tới đây tổ hợp tác mở điểm bán thịt heo an toàn ở nhiều điểm để tiêu thụ hết lượng thịt heo tồn.

Trước đó, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, các doanh nghiệp, nhà máy chế biến thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi giảm giá thức ăn gia súc, trung bình 5.000 đồng/bao, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

“Tôi đề nghị các công ty thức ăn gia súc giảm giá thành một lần nữa vì với giá giảm 5.000 đồng/bao thì không ý nghĩa gì với giá lỗ hiện tại của người chăn nuôi” - ông Tiến nói.

Ông Tiến đề nghị chính quyền địa phương ủng hộ các tổ hợp tác, người chăn nuôi giải cứu lượng heo tồn bằng biện pháp sẽ mở các điểm bán thịt heo an toàn với giá hợp lý cho người tiêu dùng nhằm tác động được giá cả tư thương trong chợ, nhằm giảm giá thành, kích động thị trường tiêu thụ thịt heo, giải cứu cho người chăn nuôi.

Tiền Giang kêu gọi mở quầy thịt ủng hộ nông dân vượt khó. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bức xúc lớn nhất

Ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Tiền Giang, cho biết toàn tỉnh hiện có dư nợ 1.162 tỉ đồng cho vay đối với người nuôi heo. Trước những khó khăn của người chăn nuôi, ông Nhã thông tin NHNN sẵn sàng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với người chăn nuôi.

Cụ thể, NHNN đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang, bức xúc lớn nhất hiện nay là các trang trại nuôi heo trên địa bàn với số lượng lớn lên đến hàng ngàn con tới lứa nhưng chưa bán được. Bàn về giải pháp để tiêu thụ hết lượng heo tồn, giải cứu người nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh đề nghị các cơ quan, ban, ngành nên hỗ trợ để trang trại mở các quầy bán thịt heo với giá 50.000 đồng/kg hoặc thấp hơn.

Đồng thời với lượng heo hơi còn tồn đọng lớn như hiện nay, ngoài việc cấp bách phải làm, Hiệp hội Chăn nuôi đề nghị Sở NN&PTNT và Sở Công Thương nên nghiên cứu để có giải pháp thu mua lượng heo tồn, trữ đông hoặc chế biến, giảm áp lực lượng heo hơi còn tồn trong thị trường.

Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và khai thác các nguồn tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh khác.

“Để giải quyết vấn đề tiêu thụ trong tỉnh, sẽ đẩy mạnh mở nhiều điểm bán thịt có kiểm tra, kiểm soát theo hướng an toàn, có nguồn gốc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường kiểm soát giá cả hợp lý.

Ngoài tăng cường các điểm bán thịt heo, cần kết nối với các khu công nghiệp mở cuộc vận động doanh nghiệp đưa thịt heo vào bữa ăn cho công nhân, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo trên địa bàn, giúp người chăn nuôi vượt khó” - ông Hóa nói.

Tác giả: Đông Hà

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP