Phóng sự - Ký sự

Thú câu cá ở Hà Tĩnh: Một ngày bị… "trời đày"

Tôi thường thiếu thời gian. Thế nên, mỗi lần đi qua đầm, phá, ao, hồ… thấy người ta tụm năm, tụm bảy đứng, ngồi câu cá cả ngày mà “tiếc vàng, tiếc bạc”. Nhiều lúc tự hỏi cái thú giết thời gian ấy như thế nào mà gây nghiện? Để rồi một ngày cuối tuần trời hửng nắng, theo chân "những kẻ trời đày” đi câu cá lóc (quê tôi gọi là cá tràu), ngay ngày hôm sau tôi đã tự tay sắm cho mình một cần câu rê của Nhật giá bằng 1/3 tháng lương (680 ngàn đồng)…

Ký sự


Nói thêm một chút về những người bạn đã “đầu độc” tôi ngày hôm đó. Họ đều vừa qua tuổi “trưởng thành Đoàn”. Mỗi người một nghề, một hoàn cảnh sống, nhưng cùng chung một đam mê “giết thời gian” là câu cá.


Đức “Phúc” – một kẻ có quá khứ dọc ngang, con một đại gia TP Hà Tĩnh. Một thời coi trời bằng vung giờ đây hiền lành bên vợ đẹp, con khôn, tu chí làm ăn bằng nghề xây dựng. Hễ có thời gian rảnh rỗi là xách cần theo bạn “ngồi thiền” ven sông ngòi, bờ bãi… Đức từng làm tôi giật mình khi chiêm nghiệm “Chơi cá dưỡng Tâm, chơi chim dưỡng Trí, chơi cây dưỡng Thần. Câu cá cốt luyện rèn cho Tâm nhẫn”. Mà đúng thật, từ ngày hắn đi câu, ai cũng nhận xét hắn như một con người khác.


Dũng “quyền” – Giám đốc một công ty tư vấn, xây dựng ở TP Hà Tĩnh cũng vậy, nghiện câu cá hơn nghiện vợ. Nhưng cũng từ những buổi câu, mà những bản đồ án, thiết kế của công ty được hoàn thành nhanh và đảm bảo yêu cầu kỹ, mỹ thuật. Bởi được ông giám đốc suy ngẫm, hình dung trong từng khoảnh khắc rê câu. Riêng Nhật Khánh – một chiến sỹ Công an tỉnh Hà Tĩnh, thì chọn câu cá để giải trí, cũng là tìm về với khung cảnh làng quê bình yên, tìm lại thủa ấu thơ đuổi cào cào, bắt nhái bén, tóc khét râu ngô, đen cháy lưng trần…


Đó là lý do mà tôi có mặt tại làng Đông Thái, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, chứng kiến những khoảnh khắc hồn nhiên như trẻ thơ của mấy ông bạn. Mọi bon chen đời sống đều không vướng bận xung quanh cái đầm làng Đông Thái, chỉ có khung cảnh yên bình, tĩnh lặng, với tiếng cá đớp mồi và tiếng cần vút gió, chốc chốc lại vỡ òa trong niềm vui và tiếng cười sảng khoái khi ai đó giật được thành quả, dẫu chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái.

Một ngày bị... `trời đày`

… chăm chú thiền…

Khuôn viên đầm Đông Thái rộng hơn nghìn mét vuông quanh năm ngập nước, mặt đầm xanh thẫm từng đám bèo Tây và rong, rêu – nơi trú ngụ lý tưởng của cá Lóc. Từng rãnh bèo như được ai rẽ trước, tạo thành những đường rê câu thuận lợi. Cả hội chọn cho mình chỗ ngồi đắc địa và đường câu ưng ý rồi bắt đầu móc nhái, so cần. Tôi làm chân “điếu đóm”, nhìn các “cần thủ” móc nhái một cách điệu nghệ, khéo léo mà học mãi mới được. Vừa vung cần thử nước, Dũng “Quyền” vừa “khai tâm, mở trí” cho tôi: “cá Lóc có đặc tính là loài săn mồi động ở dưới nước, nó sống chủ yếu ở những vùng ao hồ sình lầy và nước ít chảy. Do đó phải móc nhái thẳng tự nhiên, không bị cong hay gập người. Đầu cán lưỡi câu phải nằm dưới cằm con nhái, để nó luôn bơi sấp với hai cái chân ve vẩy. Cá thấy nhái động, sẽ đuổi theo săn, đớp mồi. Lúc đó chỉ việc giật nhẹ rồi kéo cá vào”.


Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tôi làm mãi cũng không thành công. Ngay cả việc rê câu, nhìn vào thì thấy nhàm chán – chỉ mỗi động tác vút cần lấy đường câu, rồi rê mồi… Nhưng với các “cần thủ”, thì đó là cả một nghệ thuật đầy tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và thích thú. Đức “phúc” cho hay: “câu cá Lóc đòi hỏi phải kiên nhẫn, lỳ lợm. Nó là một loài cá dữ săn mồi động, vì vậy ông cứ kiên trì rê mồi, động nước là nó sẽ tìm tới theo bản năng săn mồi, khi nó đã đến rồi thì kiểu gì cũng ăn. Sướng nhất là lúc cá tìm đến con mồi mà chưa ăn ngay, cứ lởn vởn theo đường câu, mình rê vài ba đường mới giật được thì sảng khoái lắm”.

Một ngày bị... `trời đày`

… và niềm vui vỡ òa

Miệng thì nói, nhưng tay anh bạn tôi cứ đều đều vút cần và rê câu. Chợt hắn đột ngột hạ cần, thu mấy vòng cước rồi “vút”, “phực”, tiếng cười sảng khoái cất lên… Từ đằng xa, trong đám rong rêu bọt trắng nổi lên, dây cước căng ngang trên mặt đầm, tay Đức “phúc” quay nhanh thu cước, một chú cá Lóc to bằng cổ tay đen trùi trũi tiến vào bờ. Bao cặp mắt trên đầm đổ dồn về “cần thủ”, tiếng cười nói chia sẽ râm ran… Gỡ lưỡi câu bỏ cá vào giỏ, tôi nhìn lên thấy thằng bạn khuôn mặt mãn nguyện, tĩnh tại, tay vẫn đều đều vút cần và rê cước!


Giữa trưa, trời chợt đổ mưa dông, tôi chạy vội vào hàng cây tràm ven đầm, nhìn ra thấy không một “cần thủ” nào bỏ vị trí. Thỉnh thoảng lại có đôi ba “cần thủ” nơi khác đến buông cần, tiếng trao đổi, trò chuyện loang dài trên mặt đầm, mặc cơn mưa kéo dài không dứt.


Tôi cũng tập tành làm kẻ “trời đày”, vút cần và rê câu – dẫu động tác này tôi phải học gần hết buổi sáng mới thành thạo. Nhưng không có “duyên sát cá” nên ngậm ngùi nhìn mấy ông bạn đều tay gỡ cá bỏ vào giỏ. Dứt cơn mưa cũng đã cuối buổi chiều, mang chiếc bụng “lép kẹp” với hơn 5 cân cá, 4 “kẻ trời đày” phơi phới phóng xe ra về, không quên ghé vào làng mua một ổ rơm. 5 cân cá lóc vùi rơm nướng trui, đến giờ vẫn ngọt nơi đầu lưỡi.


Trong giấc mơ đêm ấy, tôi mơ thấy mình vun vút quăng cần và rê câu, những con cá lóc to như phích nước quẫy mạnh trên mặt đầm xanh thẫm, những người bạn ấu thơ chạy nhảy bắt nhái, gom rơm vàng chất đống, mùi cá lóc thơm lừng thảng thốt buổi sáng mai… Và tôi đã đi mua cần câu để làm kẻ “trời đày”.


Bùi Tiến

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP