Võ Kim Cự Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
Năm 2013 – năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2011-2015), chúng ta tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế toàn cầu, khu vực và đất nước chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, suy thoái; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên đe dọa và tàn phá. Điều đáng phấn khởi là Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã phát huy tốt sức mạnh đoàn kết, nhất trí; cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đồng lòng, dốc sức thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt và sáng tạo. Cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan T.Ư, các tỉnh, thành phố; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Hà Tĩnh đã tạo được sự chuyển biến cơ bản và đồng đều trên tất cả các lĩnh vực; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự và lãnh đạo một số doanh nghiệp tỉnh gặp mặt lãnh đạo Công ty Sắt thép Dangjin, thuộc Tập đoàn Hyundai Steel trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản – Hàn Quốc vào Hà Tĩnh (tháng 9 – 10/2013). |
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng chúng ta đã tập trung xây dựng được hướng đi đúng, lối ra rõ, tạo nhiều mô hình bước đầu hiệu quả. Đó cũng là yếu tố tạo nên niềm tin, sự đồng thuận, đồng lòng và hỗ trợ tích cực của nhân dân. Kiên trì với mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến tận thôn xóm đã thực sự vận động, phân công rõ nhiệm vụ, bám cơ sở, sâu sát với nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành có sự đổi mới rõ nét. Kỷ cương hành chính được siết chặt, bộ máy nhà nước tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh giản biên chế, giảm đầu mối, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, công chức; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính… Đó là nền tảng vững chắc để tỉnh ta huy động được sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2013 và vững vàng bước vào chặng đường mới.
Năm qua, trong bối cảnh kinh tế đất nước nhiều khó khăn, đầu tư công bị cắt giảm nhưng các dòng vốn vẫn tiếp tục chảy về Hà Tĩnh như: nguồn đầu tư từ ngân sách, vốn FDI từ dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA Đài Loan; nguồn đầu tư của nhiều dự án ODA và của các DN trong, ngoài tỉnh… Ngoài ra, nguồn đóng góp từ nhân dân cũng chiếm tỷ trọng khá. Lợi thế này đã tạo ra một môi trường đảm bảo cho phát triển dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn với kết quả tăng trưởng trên 18% (trong khi cả nước đạt 10%).
Một trong những thành công có ý nghĩa nền tảng trong thời gian qua, đó là tỉnh ta đã hoàn chỉnh và công bố rộng rãi bản quy hoạch KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, các quy hoạch ngành, địa phương đang được xây dựng, hoàn thiện; các cơ chế, chính sách mới tiếp tục được ban hành và đi sâu vào cuộc sống. Cũng từ đó, chúng ta có thêm lợi thế để mở rộng hơn cánh cửa thu hút đầu tư. Đặc biệt, trong năm qua, tỉnh ta đã phát triển một bước quan trọng trong kinh tế đối ngoại với việc tổ chức thành công các đợt xúc tiến đầu tư vào Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan v.v… Qua đó, bước đầu, các tập đoàn kinh tế lớn của các nước này đã và đang đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Hà Tĩnh; đồng thời, chúng ta đã xây dựng nền tảng để tiến tới kết nghĩa với một số tỉnh, thành phố nước bạn.
Trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, trên địa bàn Hà Tĩnh, từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, những công trường vẫn sôi động đẩy nhanh tiến độ. Quốc lộ 1A, 15A, 8A, quốc lộ ven biển; các dự án trọng điểm… tất cả đang thể hiện không khí thi đua về đích đúng kế hoạch. Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đang khẳng định vị trí của một trong 5 KKT trọng điểm quốc gia. Các dự án lớn đã tạo động lực để tỉnh ta phát triển thêm 600 DN trong năm 2013, GQVL cho hàng vạn lao động và thúc đẩy phát triển TM-DV… Năm 2013, thu ngân sách từ KKT Vũng Áng chiếm 50% tổng nguồn thu nội địa toàn tỉnh, khẳng định được bước đi đúng trong việc tập trung đầu tư cho sự đột phá, tạo môi trường hội nhập kinh tế thế giới ngay tại “sân nhà” (với sự tham gia đại diện của 25 quốc gia đang hoạt động tại KKT Vũng Áng).
Phấn khởi hơn cả là bên cạnh sự đột phá về điểm, chúng ta đang đạt được nhiều thành tựu phát triển trên diện rộng; phát triển từ gốc rễ của đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hà Tĩnh đã trở thành một hình mẫu trong cả nước về những chuyển biến của nông nghiệp, nông dân và nông thôn; về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chúng ta đã tập trung đầu tư các nguồn lực và dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tăng cường liên kết với DN để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh tại xã Thạch Văn (Thạch Hà). |
Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,5%, cơ cấu sản xuất nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng; phát triển mạnh TM-DV.
Chưa bao giờ chúng ta có nhiều mô hình nông dân SXKD hiệu quả như hiện nay. Trong 3 năm (2011-2013), toàn tỉnh xây dựng được 1.599 mô hình SXKD có hiệu quả, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có hơn 400 mô hình đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, 5 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng/năm (riêng năm 2013 là 1.000 mô hình).
Kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp; tổng huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng NTM trong 3 năm đạt khoảng 21.055 tỷ đồng (riêng năm 2013 đạt 11.000 tỷ đồng). Đến cuối năm 2013, 7 xã đầu tiên đã về đích NTM.
Khép lại năm 2013, hai chỉ số kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh đã ở tốp đầu toàn quốc. Tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 19%; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 5.500 tỷ đồng. Sự chuyển biến về chất và mang tính bền vững thể hiện ở chỗ nguồn thu từ SXKD chiếm 85,6% tổng thu ngân sách. Tăng thu trên địa bàn không chỉ là con số kinh tế chủ đạo mà còn mang ý nghĩa nhân văn quan trọng vì đây là cơ sở để đầu tư phát triển toàn diện nền KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Năm qua, lĩnh vực VH-XH chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,45%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,94%. QPAN đảm bảo, TTATXH giữ vững.
Mặc dù đã nỗ lực lớn và đạt những kết quả khá toàn diện, nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta còn không ít băn khoăn, trăn trở: sản xuất nông nghiệp một số xã quy mô nhỏ, hiệu quả thấp; kết quả xây dựng nông thôn mới còn chênh lệch giữa các địa phương có điều kiện tương đồng; tiến độ triển khai một số dự án còn chậm; một số DN gặp khó khăn; khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; GQVL còn hạn chế; an ninh, trật tự xã hội, ATGT diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường.
KKT Vũng Áng – Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước |
Năm 2014, nhiệm vụ hàng đầu được xác định là tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013-2020; xác định, phát triển sản phẩm chủ lực của các ngành, vùng, địa phương. Nhóm giải pháp hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ này là khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH và tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn. Đối với nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài là phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM, cần tập trung, kiên trì thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo phương châm “Liên kết hóa, xã hội hóa và DN hóa”.
Giải pháp cần triển khai sớm đó là tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, xúc tiến đầu tư, GQVL. Bên cạnh đó, dồn sức để khai thác tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch nhằm xây dựng một nền văn hóa tương xứng với nền kinh tế tỉnh nhà đang từng ngày phát triển. Đặc biệt, coi trọng và tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, chính trị, TTATXH và ATGT, huy động sức mạnh tổng hợp để trấn áp các loại tội phạm, lập lại kỷ cương, phép nước, tạo sự ổn định để phát triển KT-XH vững chắc. Cùng với đó, vấn đề quản lý thị trường, quản lý ATVSTP sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý, kiểm tra và xử phạt nghiêm túc nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Giai đoạn nước rút về đích các chỉ tiêu KT- XH nhiệm kỳ 2011-2015 đang đặt lên vai năm 2014 trọng trách lớn. Dù bối cảnh kinh tế chưa hết khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn đặt quyết tâm chính trị cao: về đích sớm các chỉ tiêu KT-XH trước 1 năm kết thúc nhiệm kỳ. Tôi thiết tha mong muốn toàn Đảng bộ, toàn quân, nhân dân và cộng đồng DN tỉnh nhà tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, bền bỉ trong mỗi bước đi; quyết tâm cao và hết sức kiên trì trong từng mục tiêu; đặt niềm tin vững chắc ở hướng đi đúng của tỉnh nhà để cùng đồng lòng, chung sức thực hiện mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân, đưa Hà Tĩnh sớm vượt lên xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”.
Các chỉ tiêu cơ bản của năm 2014: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 23%. GDP bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 23,08%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 138 triệu USD; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn 2.900 triệu USD. Thu ngân sách phấn đấu đạt 7.115 tỷ đồng (thuế, phí 5.365 tỷ đồng, tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.050 tỷ đồng). Sản lượng lương thực đạt trên 51 vạn tấn; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 65 triệu đồng/ha/năm; có 20 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; độ che phủ rừng đạt 50,3%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2-3%. Tạo việc làm 3,2 vạn lượt người, đào tạo nghề 21,5 nghìn lượt người. |
V.K.C/Baohatinh.vn