Kinh tế

Thời trang Việt suy thoái!

Doanh nghiệp may mặc trong nước hầu hết vốn ít, năng lực quản trị kém, lực lượng thiết kế mỏng, sản phẩm chưa nổi bật về chất lượng - giá cả… nên rất khó cạnh tranh với hàng ngoại

Đầu tháng 11, thông tin Stripe International Inc - công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản - đang đàm phán góp vốn vào công ty thời trang NEM - một trong số ít doanh nghiệp (DN) tư nhân trong lĩnh vực may mặc Việt đang làm ăn tốt, thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tiếc nuối một thương hiệu Việt có nguy cơ biến mất cùng dự đoán thị trường thời trang may mặc Việt Nam sẽ nhanh chóng thuộc về các DN ngoại, thương hiệu nước ngoài.

Thời trang ngoại gây sóng

Ông Nguyễn Tiệp, Giám đốc truyền thông Công ty Thời trang NEM, cho biết hai bên vẫn đang trong giai đoạn đàm phán nên chưa thể công bố gì về thương vụ này. Trên cơ sở ban đầu, Stripe Việt Nam (công ty con của Stripe International) sẽ hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh may mặc với NEM. Không tiết lộ lý do bắt tay với DN nước ngoài trong lúc đang phát triển tốt, doanh thu tăng 20% mỗi năm, ông Nguyễn Tiệp nhìn nhận sự quan tâm của DN ngoại cũng như sự có mặt rầm rộ của các thương hiệu thời trang bình dân nước ngoài tại Việt Nam thời gian gần đây đã khẳng định thị trường may mặc Việt có sức hấp dẫn lớn.

Thời trang Việt đang vất vả cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoàiẢnh: TẤN THẠNH

Theo các DN ngành may mặc, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ Việt Nam đang bị cuốn vào làn sóng cuồng hàng hiệu nước ngoài. Mới đây, khi H&M mở cửa hàng ở Hà Nội, hàng ngàn người xếp hàng để được vào mua sắm, thậm chí có người háo hức đến mức đến đợi từ đêm trước. Một năm trước, tại TP HCM, cửa hàng Zara đầu tiên khai trương, hàng ngàn tín đồ thời trang cũng xếp hàng rồng rắn trước cửa hàng này. Một năm sau, Zara công bố con số "đáng mơ ước" là doanh thu của Zara Việt Nam nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng này. Thành công ngoài mong đợi của Zara và H&M đang tiếp thêm động lực cho các hãng khác nhảy vào Việt Nam trong thời gian tới. Dự báo không bao lâu nữa, nhiều khả năng Uniqlo... cũng sẽ đổ bộ vào Việt Nam.

Bên cạnh cơn sốt mang tên Zara và H&M, hàng loạt thống kê thị trường cũng đã cung cấp những số liệu hấp dẫn về thị trường hàng may mặc Việt Nam. Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel cho thấy mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt hiện đứng thứ 3, chỉ sau dành cho thực phẩm và tiết kiệm. Cũng theo Niesel, số người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi 20-30 của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 25%. Còn theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dệt may nội địa khá cao, khoảng 20%/năm. Thị trường nội địa có quy mô 4,5 tỉ USD/năm, tương đương 40 triệu bộ quần áo. Trung bình, mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỉ đồng cho quần áo. Miếng bánh lớn còn nhiều khoảng trống đủ hấp dẫn để bất cứ nhà bán hàng nào cũng muốn xí phần.

Thương hiệu nội thoi thóp

Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng bình dân đến cao cấp. Vẫn còn 40% thị phần cho may mặc trong nước, vậy các thương hiệu thời trang nội địa đang làm gì, ở phân khúc nào?

Một thập kỷ trước, trong giai đoạn hoàng kim của thời trang Việt, những cái tên như Blue, Foci, Việt Thy, Ninomaxx, N&M, Maxx Style, Sifa, PT 2000, Sea Collection, Sanding, Đan Châu... được người tiêu dùng nhắc đến. Thời gian đó, những thương hiệu này liên tục mở chuỗi cửa hàng. Hệ thống của Ninomaxx, Maxx Style và N&M (thuộc Công ty Thời Trang Việt) lên đến gần 200 cửa hàng trên cả nước. Việt Thy, Foci… cũng có đến vài chục điểm bán nhưng 4-5 năm trở lại đây, các thương hiệu này cùng lẳng lặng đóng cửa bớt, thu hẹp quy mô kinh doanh.

Khi trào lưu hàng may mặc Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc… nở rộ, thời trang Việt bắt đầu gặp khó. Càng về sau, phong trào tiêu dùng hàng xuất khẩu, hàng hiệu bán online phát triển mạnh, DN Việt càng đuối sức và đến giờ đã thật sự bi đát. Công ty Thời trang Việt từng là hiện tượng của hiện tượng trong làng may mặc nội địa, nay chỉ còn khoảng 60 điểm bán. Dòng sản phẩm Maxx Style đã bị khai tử, 2 dòng N&M (cao cấp) và Ninomaxx (trung bình khá) chia nhau diện tích trong các cửa hàng chứ không còn duy trì cửa hàng riêng cho từng thương hiệu. Sea, Foci gần như mất bóng. Việt Thy còn vỏn vẹn 5 cửa hàng. Blue, PT 2000 chủ yếu thuê mặt bằng ở các siêu thị, trung tâm thương mại để bán hàng, chứ không phát triển thêm cửa hàng riêng. Cửa hàng giảm, chất lượng sản phẩm không tăng nếu không muốn nói là có phần đi xuống, không quảng cáo tiếp thị cho sản phẩm hoặc có làm cũng lớt phớt, không chuyên nghiệp nên càng lúc càng èo uột, thoi thóp.

Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, một trong những DN may mặc xuất khẩu lớn của Việt Nam, từng gia công sản phẩm nội địa cho Blue - nhận định chuyện các thương hiệu Việt "giãy chết" trước hàng thời trang ngoại là cái kết đã được dự báo từ 3-4 năm trước, những ai làm lâu năm trong ngành đều nhìn thấy. Cũng theo ông Hùng, nếu không có gì thay đổi thì thêm vài năm nữa, tình cảnh sẽ càng tệ hơn. Sau "phép thử" Zara và H&M, nhiều thương hiệu ngoại khác sẽ đổ bộ vào khai thác thị trường hơn 90 triệu dân và đến lúc nào đó, các kênh phân phối sẽ tràn ngập sản phẩm ngoại. Không chỉ dòng sản phẩm thời trang mà cả dòng sản phẩm công sở đang là thế mạnh của An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè… cũng nằm trong tầm ngắm của DN ngoại.

Theo các DN, cơn sốt chuộng thương hiệu thời trang nước ngoài bình dân sẽ lắng xuống như những trào lưu trước đây. Tuy nhiên, trong lúc cơn sốt này hoành hành, DN Việt phải có cách chống chọi để tồn tại. Thị trường đã thay đổi rất nhanh, không còn chỗ cho những DN làm ăn kiểu ăn xổi mà muốn tồn tại, DN phải đầu tư nghiêm túc.

Ông Nguyễn Tiệp cho rằng cạnh tranh tạo áp lực cho DN nội thay đổi. Muốn phát triển, DN phải có đủ năng lực cạnh tranh, phải khẳng định được thương hiệu cũng như định hình phong cách riêng. NEM đã có 20 năm tồn tại, phát triển với 44 cửa hàng, 10 nhà máy sản xuất và đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, luôn cho ra đời trên 100 mẫu sản phẩm mới mỗi tuần.

Ông Lê Quang Hùng đánh giá DN may mặc Việt đa số vốn ít, năng lực quản trị nội bộ, quản lý tồn kho kém, lực lượng thiết kế mỏng, sản phẩm chưa nổi bật về chất lượng và giá cả, quen kinh doanh theo kiểu cũ, không có kinh phí cho quảng cáo, tiếp thị... nên rất khó cạnh tranh.

Ngại đầu tư vì rủi ro cao

Ông Lê Quang Hùng thừa nhận từ đầu, Garmex Sài Gòn đã xác định chủ trương không làm thị trường nội địa vì nếu muốn làm đến nơi đến chốn thì phải đầu tư lớn làm thương hiệu, tổ chức hệ thống phân phối. Sản xuất quyết định giá thành, nếu sản xuất ít thì giá thành cao, khó cạnh tranh với hàng ngoại. Trong khi đó, thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ chủ yếu theo phong trào nên thường mua sắm theo đám đông; phương thức kinh doanh online phát triển mạnh làm thay đổi thói quen, xu hướng tiêu dùng nhanh… nên rủi ro cho DN rất cao. Cũng vì lý do này mà hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lớn trong ngành may mặc tập trung làm hàng xuất khẩu, không mặn mà với thị trường nội địa hoặc chỉ làm cho có.

Tác giả: Thanh Nhân

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: thời trang việt , quần áo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP