Khám phá

Theo chân quý ông Hàn Quốc tìm “thú vui” giữa lòng Thủ đô

Đó là nhà hàng karaoke có tên Keangnam, nằm tại tòa nhà 34T4, Khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây cũng là khu vực những người Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam khá đông, tạo thành một cộng đồng nhỏ.

Nắm được thông tin về một tụ điểm ăn chơi, giải trí khá có tiếng chuyên dành cho các quý ông người Hàn Quốc tọa lạc tại một con phố ở thủ đô, phóng viên Dòng Đời đã cất công tìm nhiều cách thâm nhập vào đây, nhưng đều thất bại. Lý do rất đơn giản, nơi đây chỉ dành cho người Hàn Quốc. Và chỉ đến khi theo chân một người Hàn Quốc “xịn”, phóng viên mới tận mắt chứng kiến những điều trước đây chỉ nghe phong thanh.

Tủi phận khách Việt

Trước khi tới chốn ăn chơi, giải trí chuyên dành cho quý ông người Hàn trên, tôi được nghe nhiều mỹ từ về chốn này khi cậu bạn tôi – một người biết tiếng Hàn đã đôi lần được “ăn ké” khi đi phiên dịch cho khách Hàn. Nào là hát hò thoải mái, không giới hạn về thời gian; nhân viên phục vụ toàn các mỹ nữ, xếp hàng chọn thỏa sức; cả chuyện từ A – Z, chỉ cần đồng thuận là sẽ có ngay một đêm mặn nồng cùng các mỹ nữ… Tuy nhiên, khi tôi đến nơi thì thực tế lại khắt khe… hơn nhiều, chỉ đơn giản một lẽ, tôi là người Việt.


Nhân viên trong quán xếp hàng cho khách chọn. (Ảnh: Thọ Phước)

Lần đầu tôi tới đây là vào một buổi tối ngày đầu tháng 8.2014. Nhà hàng nằm trong một khu đô thị khá mới và quán mang một vẻ ngoài khá sang trọng. Nhà hàng nằm trong khuôn viên của một căn biệt thự rộng khoảng 100m2, đồ đạc đương nhiên là phù hợp với tiêu chuẩn phục vụ khách Hàn Quốc. Biển hiệu và nội thất bên trong đều tương ứng với ngôn ngữ và văn hóa xứ Hàn.

Tôi bước chân vào quán, dù cố tỏ vẻ tự tin của người có chút tiền của nhưng vẫn không tránh được cái nhìn dò xét từ đám nhân viên nơi đây: “Anh tìm ai ạ? Anh đã có khách ở trên đây chưa?” – “Tôi vào quán một mình”, tôi đáp lại. Lúc này, có đôi chút xét nét ném về phía tôi.

Nhưng rồi họ cũng gật đầu đồng ý, kêu người dẫn tôi lên một phòng trên tầng 2 sau khi tôi trình bày: “Anh đến xem xét trước, mấy hôm tới công ty anh có tiếp mấy khách Hàn. Nếu quán ổn thì hôm tới anh dẫn khách anh qua”. Sau khi đã yên vị trong một phòng karoke, tôi mới được nhân viên tại đây giải thích: “Tất cả các phòng ở quán đều được bố trí thành các phòng hát vì văn hóa giải trí của người Hàn chủ yếu là tụ tập rồi hát hò. Em bố trí cho anh một nhân viên nhé!”. Tôi gật gù tỏ vẻ hài lòng với cung cách phục vụ.

Ngồi được chừng 5 phút, một cô gái trong tà áo dài truyền thống của Việt Nam gõ cửa nhỏ nhẹ xin phép tôi được vào. Cô gái cao chừng 1,70m, gương mặt bầu bĩnh, tươi trẻ của độ tuổi 20 với nụ cười thân thiện. Sau vài câu chào hỏi, cô gái ngồi lại sau cái gật đầu từ tôi. Rượu Sochu được cô gái rót ra thành thục.

Những câu chuyện nhát gừng cứ diễn ra sau mỗi bài hát để xua đi sự im lặng và gượng gạo từ cả hai. Ý chừng thấy cô gái kém nhiệt tình, tôi gặng hỏi thì được câu trả lời: “Ở đây, bọn em chủ yếu tiếp khách Hàn. Có hôm đông quá, chủ quán còn không nhận cả khách Việt. Hôm nay, tại anh tới sớm và nói là sẽ có khách Hàn vào cùng nên em tiếp anh”.

“Ngoài dịch vụ nhân viên hát cùng, ở đây còn có dịch vụ gì không em?” – tôi gạn hỏi.

“Có! Bọn em có đi chơi với khách nhưng phải thỏa thuận rõ ràng. Với lại, thường thì bọn em chỉ đi với khách Hàn thôi” – cô gái trả lời có vẻ thành thật.
Vì câu chuyện vẫn tiếp diễn kiểu nhát gừng, đoán cũng khó có thể tiến triển thêm theo ý của mình nên tôi nhanh chóng chào cô gái để ra về. Trước khi thanh toán, tôi không quên đưa cho cô gái một chút tiền “bo”. Số tiền này có đôi chút tác dụng khi tôi lấy được số điện thoại và tài khoản xã hội của cô trên mạng để tiện liên lạc về sau.

Lần thứ hai tôi quay lại, mọi chuyện không khá hơn là mấy dù đã có 2 đồng nghiệp nam đi cùng. Khổ một nỗi, vì tất cả vẫn là người Việt nên sự tiếp đón ở đây – đặc biệt là các cô nhân viên phục vụ – chẳng mấy nhiệt tình nên nhóm chúng tôi cũng nhanh chóng rút lui.

Sau này, khi đã thân thiết được với nhân viên có tên Ngọc, tôi mới được Ngọc tiết lộ: Mấy người Việt Nam vào trong quán mà kêu nhân viên phục vụ và hỏi chuyện qua đêm với nhân viên là người ta nghĩ ngay là công an. Hơn nữa, nhân viên ở đây không có lương, chủ yếu sống bằng tiền “bo” và tiền “đi khách”. Vì vậy, họ không mặn mà chuyện “đi khách” Việt đâu, vì khách Việt không cho nhiều bằng khách Hàn.

Tôi làm… Thượng đế

Sau hai lần tiếp cận thất bại, tôi quyết định tìm tới phương án hai: Theo gót một quý ông Hàn Quốc đích thực. Để triển khai phương án này, tôi đã kết nối được với một người đàn ông đang làm giám đốc một công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất đệm mút tại Gia Lâm.

Để tiện giao tiếp, vị này nói tôi cứ gọi là ông Lee. Do sống ở Việt Nam nhiều năm nên tiếng Việt của Lee cũng khá sõi. Lee đồng ý tham gia giúp đỡ chúng tôi trong công việc và thống nhất phương án giới thiệu tôi là trợ lý của ông và khi vào trong quán, ông Lee sẽ chỉ “bắn” tiếng Hàn.


Giám đốc người Hàn Quốc đang nhập vai giúp PV Dòng Đời để hỏi chuyện quản lý của quán Karaoke Keangnam. (Ảnh: Thọ Phước)

Tối 7.8, tôi hộ tống vị giám đốc người Hàn của mình tới nhà hàng 34T4. Lần này, vẫn là 3 người đàn ông nhưng nhờ chất Hàn của vị giám đốc mà chúng tôi được đón tiếp long trọng hơn. Ngay khi bước chân vào tầng 1, đám nhân viên nữ đứng chờ được khách chọn phục vụ đã cúi gập người xuống chào theo văn hoa xứ Hàn – khác hẳn với sự thờ ơ những lần trước.

Sau khi đã yên vị tại một căn phòng trên tầng 3, chúng tôi được những nam phục vụ tại đây hỏi về các nhu cầu. Sau đó, họ hỏi chúng tôi muốn chọn nhân viên nào. Một người trong nhóm chúng tôi gọi anh chàng phục vụ ra và hỏi: “Ở đây, ngoài hát ra, nhân viên nữ có đi qua đêm với khách không?”. Lúc này, cậu phục vụ trả lời: “Dạ, cái này anh cứ thỏa thuận riêng với nhân viên ạ! Bọn em không can thiệp ạ”.

“Quản lý ở nhà hàng cũng biết bọn em đi tiếp khách và qua đêm với khách nhưng họ không ngăn. Ngay cả lúc đang làm, nếu khách rủ ra ngoài đi luôn, chỉ cần báo với quản lý là họ ok liền” – nhân viên tên Ngọc nói.
Sau đó, chúng tôi được chứng kiến màn chọn nhân viên. Khác hẳn với lần đầu chúng tôi vào, lần này, đám phục vụ ở đây điều gần hai chục nhân viên vào một lúc để chúng tôi lựa chọn. Khi đã phần nào thẩm định được sự nhiệt tình khi tiếp khách Hàn, chúng tôi lựa cớ rút lui để vị giám đốc người Hàn ở lại tiếp chuyện với nhân viên tên Ngọc – người đã từng “lạnh nhạt” với tôi khi tôi ghé thăm quán lần đầu.

Lúc này, theo đúng kịch bản, Ngọc được nghe câu chuyện về một chuyến tiếp khách lớn sắp tới của chúng tôi nên cần những chốn giải trí như thế này để phù hợp với văn hóa của người Hàn. Và tất nhiên là sau đó, sẽ có cả những chuyến qua đêm với khách. Lúc này, Ngọc đã cởi mở hơn và khẳng định: Chỉ cần chúng tôi đưa khách Hàn đến thì mọi dịch vụ đều có thể thu xếp.

“Nếu anh đưa khách Hàn đến, anh chỉ cần nói với nhân viên lúc họ đứng cho anh chọn là: Bây giờ, ai đi được qua đêm thì đứng qua một bên. Khi đó, anh thỏa sức chọn. Có cả 50 người cho anh chọn luôn” – Ngọc tiếp.

Để kiểm chứng lời Ngọc, tôi thu xếp để vị giám đốc người Hàn của tôi rút lui trước. Sau đó, tôi được cử ở lại với nhiệm vụ “kiểm tra chất lượng” của  Ngọc. Câu chuyện nhanh chóng đi tới đích với cái giá được đưa ra. Ngọc cho hay: “Em đi nhanh là 100 USD còn qua đêm là 200 USD. Ở đây, bọn em được thanh toán bằng tiền USD quen rồi nên cứ vậy mà quy ra anh nhé”.

Tôi đề nghị luôn: “Anh cần kiểm tra “hàng” cho sếp anh vì sếp vốn là người khó tính. Nếu em đồng ý thì qua đêm với anh. Tiền bạc anh vẫn thanh toán như khi em đi với khách Hàn”. Không cần suy nghĩ, Ngọc gật đầu ngay tấp lự.
Tan giờ làm, Ngọc bắt vội taxi qua nhà nghỉ mà tôi đã báo địa chỉ trước. Vì tôi đã nói rõ việc gặp Ngọc không nhằm chuyện “quan hệ” nên Ngọc không khỏi thắc mắc và đồng thời cũng là lời dặn dò: “Không làm chuyện ấy vẫn mất tiền đó anh nhé! Bộ em có gì đặc biệt lắm sao mà anh lại muốn trò chuyện với em?”.
Lúc này, tôi đành giải thích: “Sắp tới, bên anh có tiếp mấy vị khách quan trọng. Sếp anh bảo tiếp mấy người này, ngoài chuyện lễ nghĩa chu đáo thì chuyện chơi bời, giải trí cũng phải đâu ra đó. Anh cần biết về các kỹ năng giao tiếp của em để báo lại sếp. Sếp đã chọn em, hẳn là có lý do đặc biệt”.
Thấy tôi nói vậy, Ngọc liền hưởng ứng đầy vẻ tự hào: “Vâng, phải rồi. Em là một trong số rất ít nhân viên trong quán được chủ quán cho mặc áo dài truyền thống đó anh. Chủ quán nói em mặc áo này hợp và giữ được nét đẹp của tà áo”.
Sau khi câu chuyện đã cởi mở hơn, tôi dò hỏi kỹ về “nghiệp vụ” của các cô gái, Ngọc cho hay: Do làm ở trong quán không có lương, chỉ có tiền “bo” nên việc tiếp khách và chiều khách là vô cùng quan trọng. Khách Hàn là những người ham vui nên chuyện hát hò và uống rượu đương nhiên phải biết. Cũng phải biết tạo ra một số trò chơi đơn giản để khuấy động không khí như oẳn tù tì bằng tiếng Hàn với hình phạt là uống rượu… “Họ cũng thích mẫu con gái truyền thống, dịu dàng, biết chia sẻ, tâm sự. Vì vậy, thường thì trước khi ngủ với nhau thì phải đi dạo chơi với họ” – Ngọc nói thêm.

Về giá cả của các nhân viên trong quán, Ngọc cho hay: “Không có một mức giá cụ thể nào. Tuy nhiên, như em đã nói thường thì bọn em đi nhanh là 100USD, qua đêm – từ sau 12 giờ đêm là 200USD. Và đương nhiên là chỉ đi với khách Hàn. Bình thường, nếu em chịu đi khách, mỗi ngày em cũng kiếm được chừng 6 triệu”.
“Quản lý ở nhà hàng cũng biết bọn em đi tiếp khách và qua đêm với khách nhưng họ không ngăn. Ngay cả lúc đang làm, nếu khách rủ ra ngoài đi luôn, chỉ cần báo với quản lý là họ ok liền” – Ngọc kể.

Những câu chuyện giữa tôi và Ngọc không đầu, không cuối. Khi đồng hồ chỉ 3h30, Ngọc nhắc khéo: “Nếu đi nhanh thì hết giờ rồi anh nhé! Anh muốn em qua đêm cũng được”.

Lấy cớ mệt, tôi chào Ngọc và để cô ra về. Sau này, tôi và Ngọc vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên. Ngọc thường dò hỏi tôi về lịch mà nhóm khách Hàn bên tôi sẽ tới. Ngọc hứa khi đó sẽ thu xếp giúp tôi những cô gái xinh xắn, nhiệt tình. Cô không biết rằng đoàn khách đó sẽ không bao giờ tới.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP