Giáo dục

Thầy giáo trong vụ đề thi tốt nghiệp giống đề luyện thi: 'Tôi cũng thấy trùng hợp bất thường'

Thầy Phan Khắc Nghệ chia sẻ ông cũng thấy trùng hợp bất thường khi bài ôn của ông trùng với đề thi chính thức với tỉ lệ khá cao. Ông khẳng định bản thân không có điều gì khuất tất.

Thầy Phan Khắc Nghệ - phó hiệu trưởng Trường chuyên Hà Tĩnh - Ảnh: LÊ MINH

Liên quan đến vụ việc thầy giáo Phan Khắc Nghệ - phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh - trong quá trình ôn thi cho học sinh có nhiều câu "trùng" với đề thi chính thức khiến dư luận quan tâm, Tuổi Trẻ Online đã có buổi phỏng vấn thẳng thắn với ông Nghệ để nắm rõ hơn về việc này.

* Thưa ông, ông có thể cho biết quá trình ôn thi bộ môn sinh học cho học sinh diễn ra như thế nào?

- Thầy Phan Khắc Nghệ: Tôi ký hợp đồng với một trung tâm ôn thi có trụ sở tại Hà Nội trong vòng 10 năm, từ năm 2018-2028. Trung tâm đứng ra quảng cáo, tổ chức thu hút học sinh, còn tôi thực hiện giảng dạy theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng, mỗi khóa học tôi được hưởng phần trăm trên tổng số học sinh theo học.

* Vừa qua nhiều thông tin cho rằng trong bài tổng ôn của thầy giống đến 97% so với đề thi chính thức của Bộ Giáo dục và đào tạo, ông nhận thấy đây là việc bình thường, ngẫu nhiên trùng lặp hay là bất thường?

- Thường thì trong mỗi đề thi, có 70% là nội dung kiến thức cơ bản nằm trong sách giáo khoa, còn lại 30% kiến thức phân hóa. Trong môn sinh, những năm gần đây kiến thức phân hóa tập trung vào một số nội dung nên cô đọng hơn.

Trong quá trình ôn thi, giáo viên dạy dàn trải kiến thức chung, còn những buổi cuối thường tập trụng vào một số nội dung quan trọng nhắc nhở học sinh. Do đó, không chỉ riêng tôi mà đối với các giáo viên chuyên sâu cũng có tỉ lệ đoán trúng đề cao, lúc đó học sinh mới thi điểm cao được.

Thực tế khi thi xong tôi cũng thấy có sự bất thường. Học sinh thi xong nói em "trúng" nhiều lắm, tôi cũng không nghĩ rằng mình luyện lại sát được nhiều như vậy. Mặc dù nhiều câu chỉ trúng hơi hướng, không phải trúng y nguyên với đề chính thức nhưng nhìn vào tỉ lệ trúng cao như vậy người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy bất thường.

Những năm trước tôi ôn cũng trúng nhiều (khoảng 70-72% so với đề thi chính thức) nhưng tỉ lệ không cao như năm này.

* Có ý kiến cho rằng có một câu hỏi không có nội dung trong sách giáo khoa nhưng xuất hiện trong đề thi. Trong khi đó bài tổng ôn của ông cũng có câu hỏi này, ông có thể nói rõ hơn về việc này?

- Đó là câu hỏi về diễn tiến sinh thái, nội dung này có trong sách giáo khoa. Năm ngoái bài này giảm tải, không yêu cầu dạy nên không đưa vào đề. Năm 2021, bộ lại hướng dẫn dạy kỹ, nên quá trình ôn thì người dạy tiên lượng có sự khác biệt.

Về bức hình trong sách giáo khoa không có, tuy nhiên, khi giảng tôi phát triển khái niệm và vẽ hình để học sinh dễ nắm bắt, tuy nhiên không may trong đề thi lại có hình giống hình tôi vẽ khi dạy. Nhiều người cho rằng khi chỉ căn cứ vào bức hình sẽ có sự bất thường, nhưng nếu theo dõi toàn bài giảng thì đó là trùng hợp ngẫu nhiên.

* Có thông tin ông liên quan đến một số người là thành viên của tổ ra đề thi, ông cho biết rõ mối quan hệ này có liên quan gì đến sự trùng hợp giữa bài ôn của thầy và đề thi chính thức vừa qua?

- Tôi không được tiếp nhận văn bản chính thức về việc này nhưng qua một số kênh thông tin có nêu tôi từng trao đổi với hai người trong tổ ra đề của bộ. Thông tin này không những làm bạn đọc quan tâm mà cá nhân tôi cũng thấy bức xúc.

Thực tế, tôi từng làm việc với bà N.T.M. và ông B.V.S. khi chúng tôi được bộ điều động ra làm việc. Trong 4 năm từ 2015-2018, tôi, hai ông bà trên và những người khác được bộ giao nhiệm vụ nên có trao đổi với nhau qua email về một số chương trình, nội dung. Việc trao đổi này đúng với nhiệm vụ của chuyên gia do bộ giao và tôi cũng không sử dụng để phục vụ cho việc giảng dạy.

Từ năm 2019 đến nay tôi không còn trao đổi với ông S.. Khoảng tháng 4-2021, bà M. liên lạc xin tôi đề thi thử đại học để gửi cho cháu hay học sinh ôn thì tôi không rõ. Đề gửi cho bà M. không có câu nào trùng với đề thi chính thức năm 2021.

Tôi cũng khẳng định luôn tôi có trao đổi với bà M. nhưng việc trao đổi này không phải với âm mưu lợi dụng việc công tư lợi. Hơi nữa, tôi cũng không biết trong năm 2021 bà M. vẫn tiếp tục nằm trong ban đề thi.

* Ông khẳng định không làm điều gì khuất tất, vậy theo ông có thể xảy ra tình huống nào dẫn đến việc trùng lặp lớn như thế?

- Những năm gần đây, xu hướng ra đề ít thay đổi, cơ bản xoay quanh một số nội dung nên quá trình ôn người dạy loại trừ, đoán đề dễ hơn dẫn đến có sự trùng lặp. Tôi cũng mong muốn sau sự việc này, cấp trên nên mạnh dạn đổi mới cách ra đề để tránh những dị nghị không hay.

Bản thân tôi cũng rất thiệt thòi vì sau vụ việc học sinh, phụ huynh chưa hẳn đã tin tưởng tôi. Một số người cho rằng sau vụ lùm xùm này, tôi có gì đó mờ ám để trục lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân.

* Đến thời điểm hiện tại, phía Bộ Giáo dục và đào tạo đã có phản hồi gì với ông về kết quả xác minh sự việc chưa, thưa ông?

- Ngay sau sự việc xảy ra vào hồi tháng 7-2021, tôi đã có tường trình gửi Sở Giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh, phía Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng gặp tôi làm việc, thu thập thông tin nhưng đến nay vẫn không thấy phản hồi gì.

Đến thời điểm hiện tại tôi cũng không nhận được thông tin gì từ Bộ Giáo dục và đào tạo. Tôi nghĩ bộ sẽ có phản hồi đối với người phản ánh, còn tôi không phải là chủ thể phản ánh nên không nhận được kết luận gì cả.

* Thời gian qua, công việc cũng như cuộc sống riêng tư của ông có bị ảnh hưởng gì không?

- Về công việc thì tôi không bị ảnh hưởng, còn đời sống cá nhân cũng có một chút ảnh hưởng. Bản thân tôi là thầy giáo, quan trọng nhất là danh dự, khi ai đó nghi ngờ về đạo đức nghề nghiệp của mình thì rất buồn. Tôi mong muốn rằng bài viết tới đây sẽ truyền tải một cách đầy đủ thông tin, để bạn đọc hiểu và chia sẻ hơn.

* Cảm ơn ông!

Tác giả: Lê Minh

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP