Điều này cũng khiến dư luận hoài nghi, đặt dấu hỏi về việc có chăng, đã có “bàn tay quyền lực” cố tình “vượt rào”, để các doanh nghiệp tư nhân có “cơ hội” tham gia vào việc mua bán than cho dự án, mà Thủ tướng yêu cầu chỉ được phép mua từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Cty Đông Bắc.
Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn là doanh nghiệp mạnh ở Hà Tĩnh. |
Chỉ thị một đằng, thực hiện một nẻo
Theo Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 26/8/2015 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Công thương tập trung thực hiện: “Phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Cty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này”. Tức chỉ được mua than do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Cty Đông Bắc sản xuất.
Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Công thương thì Thông báo số 122A/TB-BCT và Công văn số 565/BCT-ĐTĐL không đúng với Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là việc ký cho phép Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 mua than từ Cty Hoành Sơn (một Cty tư nhân, không kiểm soát kỹ nguồn gốc than, than không đảm bảo chất lượng), hiện tổng tiền thanh toán mua than của Cty này lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu được biết, tại Thông báo số 122A/TB-BCT ngày 18/3/2016 do ông Đỗ Văn Côi - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương ký về Kết luận của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đối với hợp đồng mua bán điện của một số nhà máy điện thuộc Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam nêu rõ: Ngày 11/3/2016, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện của một số nhà máy điện của Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
Kết luận của ông Hoàng Quốc Vượng nêu rõ: “Đồng ý để nhà máy điện Vũng Áng 1 được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác với giá than bao gồm cước vận chuyển không vượt quá giá than trong nước kể cả cước vận chuyển do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cung cấp.
Thứ trưởng cũng yêu cầu: “Cục Điều tiết điện lực chịu trách nhiệm rà soát nhằm sửa đổi, bổ sung nội dung của Thông tư 56/2014/TT-BCT trong các trường hợp phát sinh trong thực tiễn là các nhà máy nhiệt điện mua than từ nhiều nguồn khác nhau...”.
Mặt khác, tại Công văn số 565/BCT-ĐTĐL ngày 19/1/2017, do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký có nêu: Bộ Công thương nhận được Văn bản số 93/ĐLDK-TKTH của Tổng Cty điện lực Dầu khí PV Power, trong đó PV Power đề xuất tiếp tục thực hiện hợp đồng mua than từ Cty Hoàng Sơn để cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng có chỉ đạo: “Cho phép PV Power được mua than từ Cty Hoành Sơn và EVN được phép thanh toán cho PV Power chi phí mua than từ công ty Hoành Sơn, tổng khối lượng than mua không vượt quá 900 nghìn tấn...”
Như vậy, rõ ràng, Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã không được Bộ Công thương quán triệt và thực hiện nghiêm túc.
“Đại gia” Hoành Sơn là ai?
Theo tìm hiểu được biết, Cty Hoành Sơn (Cty CP Tập đoàn Hoành Sơn) là doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn Hà Tĩnh và khu vực miền Trung, ngoài kinh doanh vận tải và thương mại, Cty còn đầu tư mua sắm hàng trăm phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại thi công các công trình lớn trên địa bàn, đặc biệt là khu kinh tế Vũng Áng, dự án Formosa.
Cty được coi là đối tác, bạn hàng tin cậy chuyên cung cấp và kinh doanh than đá, phân bón, xi măng, sắt thép... trên địa bàn cả nước và nước bạn Lào.
Được biết Cty Hoành Sơn và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (EVN) có mối lương duyên rất đặc biệt. Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ký thỏa thuận hợp tác triển khai dự án Cảng Phước An tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Một năm sau đó, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) được thành lập và đến năm 2009 chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Tuy nhiên, vì nhiều lí do mà sau 7 năm, các công việc đã làm chủ yếu mới dừng ở khâu giải phóng mặt bằng. Với chủ trương xã hội hóa đầu tư nên PVN đã quyết định chọn là CTCP Tập đoàn Hoành Sơn – Hoành Sơn Group là đối tác.
Ngày 9/7/2016, Hoành Sơn thông qua Cty con là Cty TNHH MTV Hoành Sơn đã hoàn tất chuyển 460 tỷ đồng để mua 46 triệu cổ phần của Cảng Phước An. Sau đợt chào bán cổ phần riêng lẻ này, vốn điều lệ của Phước An tăng lên 900 tỷ đồng và Hoành Sơn trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát với tỷ lệ sở hữu 51,1% vốn điều lệ.
Tại dự án bán than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, sản lượng than do Cty Hoành Sơn cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng 1 được thực hiện cả trên đường bộ và đường biển.
Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra của Bộ Công thương, việc đề xuất lựa chọn Cty Hoành Sơn chưa chi tiết, cụ thể về các điều kiện, chủ yếu dựa vào các Văn bản giới thiệu của tỉnh Hà Tĩnh, điều kiện thực tế cung cấp than tại NMNĐ Vũng Áng 1 và năng lực của Cty (không có biên bản kiểm tra hiện trạng kho bãi của Cty Hoành Sơn).
Kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ sai phạm của Cty Hoành Sơn như: Cty Hoành Sơn chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than nội địa của Cty CP Thương mại Hoàng Thảo Lâm và Cty CP Thương mại và Dịch vụ Triệu Phong.
Không thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, việc đề xuất lựa chọn Cty để mua than cũng không chi tiết, thiếu cụ thể. Trách nhiệm một phần thuộc về đơn vị tham mưu sai là Tổng cục năng lượng (Bộ Công thương), tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề này, ông Đặng Huy Cường, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục năng lượng lại cho rằng: “Hiện Tổng Cục năng lượng đã được Bộ Công thương xóa bỏ nên tôi sẽ không trả lời về vấn đề này nữa”.
Hiện, lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo Ban QLDA Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 phối hợp với Cty Hoành Sơn cùng các đơn vị liên quan làm rõ nguồn gốc than nội địa cung cấp cho NMNĐ Vũng Áng, giao Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc than từ hai công ty là Cty CP Thương mại Hoàng Thảo Lâm và Cty CP Thương mại và Dịch vụ Triệu Phong.
Tác giả: Trần Anh
Nguồn tin: Báo Xây dựng