TP Hà Tĩnh

Thành phố chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản

Thành phố Hà Tĩnh là địa bàn bao bọc bởi các con sông, có nhiều diện tích ao hồ mặt nước, rất thuận tiện cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, vài ba năm lại nay, nghề nuôi trồng thủy sản đã được nhiều hộ dân quan tâm đúng mức, đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đầm, chuyển dần từ hình thức quảng canh cải tiến lên bán thâm canh, từ bán thâm canh lên thâm canh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giảm thiểu những rủi ro trong nuôi trồng. Đến nay, trong tổng số gần 300 ha nuôi trồng thủy hải sản ở thành phố có 1/3 diện tích được nuôi thả theo hình thức bán thâm canh và 12 ha nuôi theo hình thức thâm canh. Để khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi, thành phố Hà Tĩnh cũng đã xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy sản và xây dựng một số mô hình để nhân ra diện rộng. Điển hình như mô hình nuôi cá Chẽm từ việc một vài hộ nuôi trong ao đất tại xã Thạch Hạ, sau mấy mùa thấy hiệu quả kinh tế cao, đối tượng dễ nuôi thả và ít bị dịch bệnh nên đến nay đã có nhiều hộ đăng ký tham gia nuôi thả, trong đó có 8 hộ nuôi thả cá chẽm trong ao đất và 12 hộ đăng ký nuôi cá chẽm trong lồng bè. Hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng từ một vài hộ xây dựng mô hình vụ nuôi thả năm nay đã có hằng chục hộ xuống giống vv…


Thạch Hạ là địa phương có diện tích nuôi trồng lớn nhất, với 110 ha ao hồ mặt nước đưa vào khai thác nuôi trồng thủy sản. Toàn xã có gần 50 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó hộ nuôi thả nhiều gần 40 ha, hộ nuôi ít cũng gần 1 ha. Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản cũng đã giúp cho hàng chục hộ thoát được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mãnh đất quê hương. Thấy được tiềm năng lợi thế đó, xã Thạch Hạ cũng đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản như khuyến khích các hộ dân có điều kiện, nguồn nhân lực cải tạo ao hồ mặt nước để đưa vào nuôi trồng thủy sản, đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng tuyến đường giao thông ra vùng nuôi trồng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân được tiếp cận các cơ chế, chính sách của nhà nước để phát triển sản xuất.

Có thể nói, từ cơ chế hỗ trợ của cấp trên đã kịp thời động viên bà con nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản, trở thành một phong trào phát triển khá rầm rộ. Những năm gần đây, thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh ít nên nghề nuôi trồng thủy sản ở thành phố đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản ở thành phố Hà Tĩnh cũng gặp nhiều khó khăn hạn chế, diện tích bán thâm canh và thâm canh còn hết sức khiêm tốn, toàn thành phố chỉ có 12ha là nuôi theo hình thức thâm canh, còn lại là nuôi thả theo hình thức quảng canh cải tiến, nuôi xen ghép tôm, cua cá. Hầu hết các hộ nuôi trồng theo kinh nghiệm, chưa ứng dụng các tiến bộ KHKT công nghệ vào trong nuôi trồng nên thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa và còn tiềm ẩn nhiều rũi ro.


Khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, bước vào vụ nuôi trồng thủy sản năm 2013, thành phố Hà Tĩnh chỉ đạo Trung tâm ƯDKHKT bảo vệ cây trồng vật nuôi thành phố tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, phòng trừ dịch bệnh cho các hộ nuôi trồng, đầu tư xây dựng đường giao thông, tu sữa và xây dựng mới cống lấy nước tại các vùng nuôi trồng. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tiếp cận các cơ chế chính sách và nguồn vốn vay ưu đãi trong phát triển sản xuất để các hộ dân đẩy mạnh việc chuyển dần các diện tích nuôi trồng từ quảng canh sang bán thâm canh, bán thâm canh lên thâm canh, đưa một số giống mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn./.

Hatinhcity

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP