Trời trưa tròn bóng, con đường độc đạo vào xóm cuối Thanh Mai trở nên vắng vẻ, hoang vu đến rợn người. Tôi một mình đi mông lung trên con đường ấy, càng đi sâu vào lòng núi càng hoang mang vì mãi mà không thấy bóng dáng nhà cửa đâu. Vừa may lúc ấy một tiếng gà trưa gáy khan trên đồi vắng đã khiến tôi yên tâm rằng mình đang đi đúng đường. Đi thêm gần 1km nữa thì đã thấy thấp thoáng bóng người và một mái ngói nhô lên bên sườn núi.
Trong ký ức mờ xa của tôi, Thanh Mai là nơi rất sâu và heo hút trong kiệt cùng núi thẳm, ở đó chỉ có những người nông dân nghèo khổ, bần hàn. Những năm 80, 90 thế kỷ trước, nhà tôi vẫn thường là nơi qua lại của một số người dân Thanh Mai. Mùa nào thức ấy họ mang gạo, mang củi, khoai mài, mít, chè, sim, muồng… ra chợ Nầm bán, thỉnh thoảng mẹ tôi mua hàng của họ và còn gói quần áo cũ mang cho. Có khi nhà tôi còn là nơi trú chân ở nhờ khi họ có người nhà phải điều trị ở bệnh viện nơi mẹ tôi công tác. Thuở ấy, tôi cũng chỉ biết họ ở đó và mường tượng về vùng đất xa xôi ấy chứ chưa một lần đến, chỉ nghe rằng đó là nơi có thể nghe được tiếng “khỉ ho, cò gáy”, còn đất đai thì cằn cỗi đến nỗi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, cả xã chỉ có vài chục gia đình sinh sống bằng nghề rừng. Ở một nơi như thế nên chuyện đói cơm, chạy ăn từng bữa, chuyện sinh nhiều con, tảo hôn là bình thường. Những đứa trẻ trạc tuổi tôi không được đến trường và nếu là con gái thì 15, 16 tuổi đã về nhà chồng mà không cần đăng ký kết hôn. Hàng mấy chục năm cái nghèo, cái đói, cái lạc hậu cứ đeo bám, cộng với đường sá đi lại quá khó khăn khiến nơi đây như bị biệt lập với sự phát triển của xã hội bên ngoài. Thế mà, thoắt cái, chỉ mấy năm sau câu chuyện đó đã trở thành quá khứ. Giờ đây trở về nhà gặp lại những người dân Thanh Mai năm nào đã thấy họ quần áo tinh tươm, có xe máy để chạy và trong câu chuyện của họ đã đầy âm sắc của sự ấm no, hiện đại nhà với ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động, nhà cửa đàng hoàng v.v… Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nhanh nhạy của chính quyền địa phương và quyết tâm làm giàu của người nông dân, cuộc sống đang dần đổi khác trên vùng đất cằn đá sỏi. Và cam, chanh chính là chủ đề chính của câu chuyện đổi thay đó.
Những năm đầu thế kỷ XXI, từ chính sách cho vay vốn sản xuất nông nghiệp, một số hộ nông dân đã mạnh dạn xin nhận đất trống đồi trọc, cải tạo để trồng cam, trồng chanh. Ban đầu họ chỉ làm dựa vào cảm tính rằng đất ấy sẽ hợp với loại cây ấy chứ chưa hề biết gì về kỹ thuật chăm bón cũng như chữa bệnh cho cây. Về sau mới có sự hỗ trợ của phòng nông nghiệp huyện nên việc trồng cam, trồng chanh ngày càng phát triển bền vững và dần dần việc phát triển kinh tế vườn đồi trở thành một phong trào khá mạnh mẽ ở Thanh Mai. Giờ đây trên những quả đồi bát úp khô cằn đã xanh mướt những vườn cây ăn trái xanh tươi, lúc lỉu quả. Ông Trần Ngọc Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “ Để khuyến khích các hộ mở rộng trang trại, xã đã tạo điều kiện tốt nhất trong việc bàn giao đất rừng, đồng thời giao các hội nông dân, phụ nữ đứng ra chịu trách nhiệm vay vốn lãi suất thấp ở các ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp với lãi suất thấp. Đến nay toàn xã có khoảng 60ha cam bù đã có thu nhập, 50ha cam chanh và 50 ha chanh với 50 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/ 1 năm từ cây ăn quả”.
Đàn bò và hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh trong trang trại của
ông Ngô Xuân Linh
Điển hình thành công của kinh tế vườn đồi thời kỳ đầu là anh Phạm Thái Hòa ở xóm Tân Hoa. Anh là một cựu binh, trở về quê hương với 2 bàn tay trắng, sau nhiều năm trăn trở tìm hướng làm ăn mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhân cơ hội được vay vốn qua hội nông dân anh mạnh dạn xin xã cấp cho 2ha đất trống đồi trọc sau nhà để trồng cam. Nói là xin 2ha nhưng thời gian đầu anh chỉ có vốn để trồng và chăm bón được một phần nhỏ. Vợ chồng anh bảo nhau nuôi thêm bò, lợn, gà để có thêm tiền lấy ngắn nuôi dài. Từ chỗ mấy chục gốc cam, dần dần vườn cây của anh đã có hàng trăm gốc cho quả với năng suất lớn. Có thành phẩm rồi nhưng chuyện tiêu thụ cũng gặp muôn nẻo khó khăn. Lúc bấy giờ đường sá đi lại khó khăn nên việc bán cam cũng gặp trắc trở. Đến màu thu hoạch vợ chồng anh phải tự mình lọc cọc đạp xe đi bán hết chợ gần, chợ xa. Vất vả là thế nhưng thu nhập cũng ổn nên anh vẫn kiên trì vay thêm vốn của các dự án thông qua hội phụ nữ, tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cam. Đến nay vườn cam của anh Hòa đã có hơn 1000 gốc cho thu hoạch mỗi năm 300 – 400 trăm triệu đồng. Ngoài ra anh còn nhân giống cam, chanh tốt hỗ trợ bà con trong vùng. Giờ thì con đường cấp phối dẫn vào Thanh Mai đã trở thành nhân tố giúp bà con thoát khỏi đói nghèo. Có đường, lái buôn tìm vào tận vườn mua cam, chanh. Bà con rủ nhau trồng cam ngày một nhiều, thậm chí nhiều chị em phụ nữ như chị Tâm, chị Hồng, chị Linh, chị Hạnh… đã trở thành tấm gương điển hình về phụ nữ làm kinh tế giỏi. Họ đều có những vườn cam lớn từ 500 gốc trở lên, thu nhập vài trăm triệu đồng/năm là chuyện thường. Hiện các hộ này cũng đang tích cực tham gia hiệp hội cam bù Hương Sơn do Sở NN & PTNT chủ trì.
Mấy năm gần đây, có lẽ Ngô Xuân Linh là cái tên nổi bật nhất ở Thanh Mai bởi sự đầu tư lớn, táo bạo trong phát triển kinh tế trang trại. Nhìn dáng người hiền hậu đậm chất nông dân ấy, ít ai biết rằng Linh từng là tay buôn lậu “có hạng” qua biên giới Việt-Lào. Anh cho biết: “Nghề buôn lậu hái ra tiền nhưng luôn phải sống chui lủi, lại gặp nhiều rủi ro lắm, đang lúc tính nghỉ thì tình cờ biết được phong trào trồng cam ở Thanh Mai thế là tôi đi tìm hiểu. Vợ chồng bàn tính và vào đặt vấn đề với xã, được xã đồng ý cấp 8ha đất trống, núi trọc, sau đó tôi mua thêm 12 ha của dân rồi vào lập lán, bắt đầu bổ những nhát cuốc đầu tiên và đi mua giống cam, chanh ở các vườn trong xã về trồng. Vợ chồng tôi đã đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng đường dây tải điện, đắp đập làm hồ chứa lấy nước tưới cho cây, thuê công nhân chăm sóc trang trại. Mùa cam, chanh đầu tiên chỉ thu được vài trăm triệu nhưng năm vừa rồi giá cam, chanh lên cao nên thu được tiền tỷ”. Giờ đây Ngô Xuân Linh đã nổi tiếng là anh nông dân tỷ phú nhờ trồng cam và chăn nuôi. Hiện nay trang trại của anh là trang trại lớn nhất Thanh Mai với 2500 gốc cam, chanh cùng đàn bò 80 con, 2ha hồ cá và hơn 5ha keo lai, là mô hình điển hình của toàn huyện.
Cùng với phong trào phát triển kinh tế trang trại chung của huyện Hương Sơn, 10 năm trở lại đây, Thanh Mai cũng đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những vùng kinh tế nổi bật của huyện và là nơi nông dân khắp các vùng miền về tìm hiểu học tập. Một màu no ấm, giàu có đang bao phủ khắp núi đồi Thanh Mai và không ai khác ngoài những nông dân chân đất giỏi giang đã khiến mảnh đất khô cằn này thành nơi bốn mùa cây trái sum suê.
Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh