Xã hội

Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đồng loạt cấm biển từ tối 12/6

Nhằm ứng phó với áp thấp trên biển Đông mạnh lên thành bão số 2, ngày 12/6, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và cấm biển.

Ngày và đêm 12/6, tại các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An- Hà Tĩnh bắt đầu có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Nhằm ứng phó kịp thời tình hình, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra thực tế tại khu vực ven biển, miền núi, những nơi có nguy cơ cao ảnh hưởng mưa bão gây ra. Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến khoảng 22 giờ đêm qua 12/6 số tàu thuyền trên biển đã cơ bản vào nơi tránh trú an toàn.

Bão số 2 đang hướng vào các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Nghệ An

Theo ông Giang, hiện nay tỉnh đã ban hành 2 công điện ứng phó với áp thấp, bão. Toàn bộ tàu thuyền trên biển đã liên lạc và vào nơi tránh trú an toàn. Đối với người dân nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè khu vực ven biển, sông suối, yêu cầu vào bờ an toàn.

Cũng từ tối qua, toàn bộ văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Thanh Hóa thực hiện trực 24/24 theo dõi diễn biến tình hình mưa bão. Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương ven biển tuyên truyền hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền tại các khu neo đậu, trong đó lưu ý thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực tập trung người dân sơ tán đến, bao gồm cả ngư dân trên các tàu vãng lai, ngoại tỉnh đến trú tránh.

Các địa phương có trách nhiệm khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công, kiên quyết không để người ở lại chòi canh, lồng bè; huy động các lực lượng, nhất là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở, để tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Tại Nghệ An: Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan khẩn trương thực hiện, cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 0 giờ, ngày 13./6. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 6 giờ sáng nay 13/6.

Đối với Hà Tĩnh, mưa bão ập đến đúng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp những ngày qua. Tính đến đêm ngày 12/6 Hà Tĩnh đã ghi nhận 31 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đang ngày đêm túc trực, làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.

Ngày và đêm 12/6 nhiều nơi trên địa bàn có mưa vừa, mưa to, giông, điều này ít nhiều gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công điện, yêu cầu: các ngành chức năng, theo dõi thường xuyên diễn biến mưa bão và tình hình dịch bệnh Covid-19 để kịp thời thông báo, hướng dẫn cho nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn; đặc biệt là đối với các khu vực điều trị người bệnh mắc Covid-19, các khu cách ly tập trung, các điểm chốt phòng dịch yêu cầu các địa phương phải rà soát, bổ sung ngay phương án Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cụ thể, sẵn sàng huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân vùng cách ly tập trung, các điểm chốt phòng dịch Covid -19.

Đối với các địa phương ven biển: thông báo ngay cho các chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; không để người ở lại chòi canh, lồng bè khi bão đổ bộ.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa đang thi công, hồ chứa thủy điện, thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…/.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP