Người đương thời

Thầm lặng sau những chiến công

Trong “đại gia đình” Công an nhân dân, mỗi lực lượng một nhiệm vụ đặc thù. Nhưng tất cả đều chung một mục tiêu chung là đấu tranh với các xấu, các ác, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Ngoài những “lá chắn thép”, những “mũi nhọn” của Công an nhân dân, thì còn có một đội ngũ âm thầm lặng lẽ, miệt mài, góp phần đặc biệt cùng đồng đội lập công, đó là lực lượng hồ sơ nghiệp vụ.

Nói đến công tác hồ sơ nghiệp vụ nhiều người thường nhầm tưởng đó là công việc rất đơn giản, nhẹ nhàng. Thực tế không phải vậy. Đơn cử như việc sắp xếp, lưu trữ hồ sơ cho khoa học, công tác phục vụ yêu cầu tra cứu cũng nhiều khó khăn. Những trang hồ sơ gắn liền với chiến công của Công an toàn tỉnh qua 70 năm chiến đấu và trưởng thành, không ít những trang hồ sơ vốn là những mẫu giấy đã quá cũ, chất liệu giấy nhiều trang xơ vữa, ố vàng theo dòng chảy thời gian và biến động thời tiết cần phải xử lý hóa chất, nên đảm nhận công tác này đòi hỏi cán bộ phải có một tình yêu đối với nghề nghiệp. Ngoài ra, từ những con số, những con chữ, hình ảnh từ những trang hồ sơ là ẩn chứa cả hành trình dài sa vào “bóng tối” của nhiều đối tượng, trong đó có không ít những đối tượng “cộm cán”…

Phòng hồ sơ nghiệp vụ triển khai nhiệm vụ công tác
Những người giữ “vàng”…
            Trong những căn phòng chật hẹp, là những dãy tủ tài liệu, hồ sơ được xếp một cách ngăn nắp, gọn gàng kê gần như chật kín lối đi. Bên cạnh những tập hồ sơ dày cộp với hàng trăm nghìn kiểu chữ, mầu mực, hàng nghìn vân tay, chỉ bản và những thông tin cơ bản khác được lưu giữ, quản lý từ năm này sang năm khác, lại thấy thấp thoáng bóng dáng của người cán bộ hồ sơ đang chăm chỉ tra cứu, bảo quản. Nhìn dãy tài liệu ấy tôi khó có thể hình dung được các chị có thể lấy đúng hồ sơ đối tượng  tra cứu. Ấy vậy mà khi có yêu cầu, chỉ cần vài phút là các chị đã có thể tra cứu trả lời kết quả, phục vụ đắc lực cho các mặt công tác nghiệp vụ của ngành công an. Thế mới biết tác phong làm việc khoa học, sự cần mẫn của cán bộ hồ sơ nghiệp vụ.
Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh – Đại tá Võ Quốc Trị kể lại những kỷ niệm trong công tác với phóng viên

Theo Trưởng phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh – đại tá Võ Quốc Trị thì bên cạnh xây dựng một cơ quan hồ sơ khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin với một thế hệ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, am hiểu công nghệ thì công tác hồ sơ còn gắn liền những những thế hệ cán bộ giàu kinh nghiệm. Chính việc nhiều kinh nghiệm trong quản lý, hướng dẫn, sử dụng hồ sơ, nên họ không chỉ giỏi một việc mà còn biết nhiều việc trong công tác hồ sơ nghiệp vụ. Mặc dù làm việc thủ công, nhưng chính sự tích lũy kinh nghiệm trong những năm tháng công tác, những thế hệ này đã góp phần thổi lên ngọn lửa yêu nghề đối với công tác hồ sơ nghiệp vụ đối với thế hệ trẻ.  Gắn bó với “nghiệp” hồ sơ trên 30 năm phải kể Trung tá Phan Thị Hòa, đội trưởng đội hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Trung tá Trần Thị Lương, đội hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát và nhiều đồng chí khác trong đơn vị.

Khi chúng tôi hỏi về những hồ sơ những chuyên án lớn của Công an Hà Tĩnh trong những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, mặc dù quản lý cả kho hồ sơ đồ sộ như vậy, nhưng chỉ sau vài phút Trung tá Hòa đã tìm ra những trang sử ngày ấy. Những trang giấy mỏng tang úa mùa, những bút tích, những năm tháng kháng chiến với những chiến công tiêu biểu của các thế hệ đi trước hiện hữu trước mắt chúng tôi. Đó là bắt những  trang hồ sơ bắt toán gián điệp biệt kích Lê Khoái, toán Hadley, vụ Lam Hồng Chí…Một lần đọc lại những trang hồ sơ ấy là thêm một lần hiểu hơn những năm tháng “nếm mật nằm gai” của thế hệ cha anh, rút ra những bài học trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Với Trung tá Hòa, trong ánh mắt, nụ cười của chị, chúng tôi hiểu niềm tự hào của những lưu giữ những trang sử vàng ấy đi cùng với thời gian…
Nói thêm về những trang thông tin “hồ sơ đời người”, Đại tá Võ Quốc Trị cho biết, trước đây đơn vị có chức năng lưu trữ thông tin công dân, với yêu cầu và nhiệm vụ mới, bộ phận này được sáp nhập trong một đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh, nhưng những kỷ niệm của những người lính hồ sơ khi góp phần mang đến niềm vui cho công dân thì đó là ký ức không thể nào quên. Minh chứng cho điều đó, Đại tá Trị lần giở lại bức thư của ông Trần Hữu Lộc, 73 tuổi, ở xóm 18, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn gửi Giám đốc Công an Hà Tĩnh và tập thể Phòng Hồ sơ nghiệp vụ vào năm 2012. Bức thư có đoạn viết: “Bản thân tôi đã chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và được trao trả đợt I tại bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Gần 39 năm trôi qua, tôi chưa làm được chế độ thương tật. Đến tháng 11/2012, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn tôi đến Công an tỉnh để tìm lại hồ sơ của cá nhân. Nhờ Ban Giám đốc Công an tỉnh và cán bộ, chiến sỹ Phòng Lưu trữ hồ sơ đã nhiệt tình giúp đỡ, tôi đã làm hồ sơ duyệt ở xã, huyện và tỉnh để hưởng chế độ thương tật thương binh…”.
Ngoài ra, với việc lưu trữ khoa học những thông tin cá nhân, nên phòng hồ sơ Công an tỉnh đã giúp nhiều gia đình có lại di ảnh của người đã khuất để thờ tự như thân nhân của các ông Hà Huy Triêm (1931- 1988), ở Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên; ông Nguyễn Đức Chiến (1964 – 1984), Liệt sỹ hy sinh tại Lào; ông Dương Đình Khôi, ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Văn Loan, ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê; ông Nguyễn Kim Tùng, ở xã Hương Mỹ, huyện Hương Khê; Nguyễn Xuyn ở Kỳ Tân, Kỳ Anh…
Thầm lặng sau những chiến công 
Có thể nói, đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác hồ sơ vì thế ngày càng gắn kết và phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản đấu tranh phòng, chống tội phạm. Rất nhiều vụ án lớn được khám phá thành công có sự đóng góp thầm lặng của lực lượng hồ sơ nghiệp vụ. Mặc dù hiện nay quân số còn mỏng so với yêu cầu thực tế, nhưng bất kể lúc nào, khi các đơn vị nghiệp vụ cảnh sát – an ninh cần tra cứu khẩn thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy xét, đấu tranh phá án… đội ngũ làm công tác hồ sơ nghiệp vụ đều thực hiện kịp thời, chính xác. Trong đó, có những tên tội phạm “cáo già”, từng vào tù ra tội nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm để đối phó với điều tra viên khi lại bị bắt ở một địa bàn khác. Từ những tàng thư căn cước tội phạm đã được bảo quản rất cẩn trọng, những người làm công tác hồ sơ nghiệp vụ đã góp phần lật tẩy hành tung nghi can, là căn cứ, chứng cứ pháp lý để điều tra làm rõ tội phạm. Minh chứng cho điều đó, Đại tá Trị dẫn chứng vụ trộm xảy ra ở đền ông Hoàng Mười (Nghi Xuân) ngày 24/9/2013. Đây là vụ trộm xẩy ra tại nơi đông người qua lại, các manh mối về tội phạm hầu như không có nhưng qua tra cứu dấu vết vân tay để lại hiện trường, phòng Hồ sơ nghiệp vụ đã giúp cơ quan điều tra Công an huyện Nghi Xuân xác định được đối tượng là Nguyễn Văn Chiến với đầy đủ thông tin lai lịch, tiền án, tiền sự. Qua đó, nhanh chóng tổ chức bắt giữ an toàn và điều tra làm rõ vụ án. Cũng trong năm 2013, quy tra cứu lý lịch tư pháp phát hiện đối tượng truy nã Hoàng Văn Thoải làm lý lịch tư pháp đi xuất khẩu lao động, phòng hồ sơ xác minh đối tượng, phối hợp với phòng Cảnh sát truy nã tội phạm bố trí lực lượng bắt, xử lý đảm bảm an toàn bí mật. Trước đó, trong năm 2010, qua tài liệu do cơ quan Hồ sơ Công an Hà Tĩnh cung cấp, Công an Lâm Đồng đã xác định đúng thủ phạm và truy bắt được Nguyễn Đức Song, SN 1986, ở Thạch Bằng, Lộc Hà gây ra vụ giết người, cướp của ngày 17/11/2009 tại Đức Trọng, Lâm Đồng. Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ đã cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan điều tra Công an TP Hà Tĩnh nhanh chóng điều tra làm rõ, khởi tố vụ án tổ chức đánh bạc quy mô lớn tại phường Tân Giang ngày 28/1/2009 bắt giữ 58 đối tượng, thu giữ gần 500 triệu đồng, tạo dư luận tốt trong nhân dân…
Ngoài ra, hoạt động của tội phạm thường tái phạm, có mối quan hệ lẫn nhau (đặc biệt là các loại tội phạm kinh tế, ma túy), thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm tương tự nên việc nghiên cứu lại hồ sơ để tìm ra thủ đoạn, quy luật hoạt động tội phạm, tìm ra các mối quan hệ lẫn nhau giữa các đối tượng phạm tội nên đơn vị cũng là “địa chỉ tin cậy” để các lực lượng đánh án nghiên cứu trong hành trình đi tìm câu hỏi liên quan đến tội phạm: ai, cái gì, khi nào, ở đâu,  vì sao…
Kỷ cương, hướng dẫn sâu, xây dựng cơ quan hồ sơ hiện đại 
Đây cũng là phương châm hành động của phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh đề ra và thực hiện có hiệu quả trong những năm gần đây. Đại tá Võ Quốc Trị – Trưởng phòng, cho biết: Do đặc thù công việc, nên tỷ lệ nữ của đơn vị khá đông chiếm khoảng gần 80% quân số. Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ chiến sỹ trong đơn vị vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần mẫn, miệt mài và tỉ mẩn tra cứu cung cấp từng thông tin chi tiết nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và quản lý Nhà nước về ANTT đạt kết quả cao nhất. Hiện nay, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, đơn vị đã tăng cường công tác đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác hồ sơ nghiệp vụ. Với phương châm “kỷ cương, hưỡng dẫn sâu, xây dựng cơ quan hồ sơ hiện đại” đơn vị đã xây dựng một hệ thống tàng thư nghiệp vụ khoa học, phục vụ hiệu quả công tác chỉ huy, chỉ đạo, đấu tranh phòng ngừa tội phạm, quản lý hành chính về TTXH.
Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã đăng ký kịp thời trên 12.600 hồ sơ hiện hành; tiếp nhận, tra cứu trả lời trên 83.000 lượt yêu cầu phục vụ công tác nghiệp vụ, yêu cầu của các ngành và các yêu cầu khác của công dân. Tiếp nhận làm thủ tục cấp gần 12.000 yêu cầu xác nhận “không tiền án” và “lý lịch tư pháp”. Cung cấp trên 2.600 lượt thông tin có liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho lực lượng trinh sát trong tỉnh và Công an các tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực công tác như tiếp nhận, xử lý trả lời các loại yêu cầu nghiệp vụ, tiếp nhận xử lý và cấp giấy xác nhận không tiền án cho công dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tra cứu hàng ngàn lượt yêu cầu xác minh lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Sở Tư pháp. Qua thực hiện cải cách hành chính đã đảm bảo tiếp nhận, xử lý tốt tất cả các yêu cầu nghiệp vụ cũng như yêu cầu khác của cơ quan tổ chức và công dân, với thông tin trả lời đảm bảo chính xác, không để sót, lọt tội phạm, đúng quy trình nghiệp vụ. Đặc biệt tại trung tâm thông tin tội phạm tin học, cán bộ ở đây luôn cố gắng nỗ lực không ngừng để nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ thông tin. Đổi mới, chủ động, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ điện tử hóa công tác hồ sơ …
Phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh xây dựng cơ quan quan hồ sơ hiện đại, khoa học

Khó có thể nói hết những vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ trên trận tuyến bảo vệ an ninh trật tự. Với việc lưu trữ những con số, dòng chữ, bức hình tưởng chừng như vô tri, vô giác, thế nhưng đó là  những hồ sơ “biết nói” đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, họ đã buộc chân lý, lẽ phải lên tiếng để đẩy lùi cái xấu, cái ác ra ngoài đời sống cộng đồng xã hội. Chia tay các anh, các chị vào một ngày tháng ba, ngày chuẩn bị kỷ niệm 58 năm ngày truyền thống lực lượng Hồ sơ ngiệp vụ Công an nhân dân (27/3/1957 – 27/3/2015) chúng tôi càng hiểu và tự hào hơn, các thế hệ lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Tĩnh đã tô thắm thêm lá cờ truyền thống của ngành về tinh thần tận tụy sáng tạo, lặng lẽ cống hiến và hy sinh vì sự bình yên cho cuộc sống…

Xuân Lý – Văn Hùng

  Từ khóa: thầm lặng , chiến công

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP