Lên sóng vào mỗi chiều chủ nhật từ ngày 18-9 trên VTV3, ngay từ đầu, Vua hài đất Việt có tham vọng như một chương trình truyền hình thực tế có thể cạnh tranh cùng các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, điện ảnh – truyền hình như: Vietnam Idol, Sao Mai – Điểm hẹn, Ngôi sao ngày mai… Thế nhưng, những gì mà chương trình này mang lại là những trò diễn nhố nhăng, hạ thấp giá trị thẩm mỹ trên sóng truyền hình quốc gia.
Đủ kiểu phản cảm
Khi cuộc thi này diễn ra trên sân khấu để nhà sản xuất tổ chức thu hình, báo chí cũng đã cảnh báo nội dung của chương trình sẽ gây nên “thảm họa” trên sóng truyền hình (Báo Người Lao Động số ra ngày 31-8 đã có bài viết “Chịu không nổi Vua hài đất Việt”). Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Heartlink – đơn vị chính tổ chức cuộc thi, lúc đó đã lên báo nói rằng: “Những thí sinh có tiểu phẩm chất lượng kém, ngôn từ, cử chỉ phản cảm đều lập tức bị loại chỉ sau khi xuất hiện trước ban giám khảo 1-2 phút. Tất cả thí sinh đều nhận được sự đóng góp, định hướng, chỉ dẫn của ban giám khảo trong và sau khi hoàn tất phần thi. Chúng tôi ghi hình 12 giờ/ngày để lấy 45 phút sẽ phát sóng, bảo đảm chương trình khi đến người xem là chất lượng, hài hước, ngôn từ đúng mực”.
Trong số phát sóng ngày 6-11, có một thí sinh bị chấm trượt đã nói một câu rất tự tin: “Nếu đây là cuộc thi Vua liều đất Việt, em vẫn sẽ dự thi vì em rất… liều”. Quả nhiên, suốt từ đầu đến cuối chương trình, khán giả khó có thể chấp nhận những tiết mục trình diễn quá liều của các thí sinh dù đã được cắt gọt, chắp vá và có sự cố gắng “cứu nguy” của bộ phận biên tập, lau đi những vết quá dung tục.
Thí sinh có số báo danh (SBD) 0311 đem hình tượng những người buôn gánh bán bưng ra, để chọc cười, công việc của cô là mua lông gà, lông vịt nhưng cứ cố tình diễn xuất “em mua một ký lông anh” (!?).
Thí sinh có SBD 0869 diễn vai người say rượu, đứng ở ven đường “tè bậy”, tình cờ gặp Thị Nở tân thời rồi kết duyên, với vô số những lời lẽ nhố nhăng, xa rời cuộc sống. Thế mà các giám khảo vẫn cười tít mắt, khen lấy khen để và tặng cho thí sinh một chiếc quạt để được đi tiếp vào vòng trong.
Một thí sinh nam diễn giả gái trong cuộc thi Vua hài đất Việt
Hầu hết các thí sinh dự thi và được chọn phát sóng trên VTV3 đều cố tình diễn xuất với cách giả giọng, dáng đi ẻo lả, bám vào những tính cách thiếu sức thuyết phục trong cuộc sống để chọc cười. Hầu hết thí sinh không hiểu về cấu trúc một tiểu phẩm hài là cần sự cô đọng về ý tứ, nội dung mang ý nghĩa sâu sắc để tạo tiếng cười. Đó chính là lý do vì sao quá nhiều tiểu phẩm hài của cuộc thi này gây phản cảm đối với người xem khi được phát sóng.
Cũng trong số phát hình Vua hài đất Việt ngày 6-11, ba thí sinh chọn nhân vật tật nguyền, ăn mày để chọc cười. Thí sinh có SBD 0725 diễn vai người bán vé số bị mù, sờ soạng khắp người một anh chàng để chọc cười và dùng ngôn ngữ hài kiểu đố tục giảng thanh để làm trò. Thí sinh có SBD 0867, ngoài việc nhái giọng, giả làm người tật nguyền, chân đi cà thọt, mưu lấy tiếng cười trên nỗi đau của người khác. Thí sinh có SBD 0313 vẫn điệp khúc ăn mày than thân trách phận, với những hình tượng hết sức nhố nhăng, đầy nhạo báng, miệt thị khiến người xem bất bình.
Sóng VTV3 quá dễ dãi
Điều đáng nói là Đài Truyền hình Việt Nam quá dễ dãi khi cho phát sóng nội dung chương trình Vua hài đất Việt trên VTV3. Vì sao nhà đài chấp nhận đưa một chương trình có nội dung hạ thấp giá trị thẩm mỹ như thế lên sóng quốc gia?
NSƯT Chí Trung (Nhà hát Tuổi Trẻ) nói: “Tôi từ chối lời mời tham gia ban giám khảo của cuộc thi này ngay từ đầu, bởi chưa nói đến những tiểu phẩm vô bổ, sự phân tích của ban giám khảo phải mang lại hiệu quả cho người nghe khi họ biết tiếp thu để diễn hài. Một học viên có thời gian theo học từ 6 tháng đến một năm chưa chắc nắm bắt những nguyên tắc làm nghề để vận dụng, nói gì đến các thí sinh đến với cuộc thi như một gameshow”.
NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc cho biết: “Tôi từng đi chấm thi nhiều, tuyển chọn nhiều thanh thiếu niên trẻ để chấm điểm tuyển các lớp đào tạo diễn viên. Thế nhưng, tôi chưa thấy thí sinh ở vùng miền nào lại tự tin quá đỗi như thí sinh đến với cuộc thi Vua hài đất Việt. Tự tin là đáng quý nhưng khi các bạn chọn tiểu phẩm mà thiếu sự định hướng thì khó mang lại tiếng cười sâu sắc, ý nghĩa”.
Ngay trong hội đồng giám khảo, có những người tỏ ra băn khoăn: “Cái tên của cuộc thi như một chiếc áo quá khổ đối với thí sinh”.
Nghệ sĩ Minh Nhí cho biết: “Ở vòng loại, tôi và NSƯT Minh Vượng được mời chuốt tiểu phẩm hài cho các thí sinh, giúp các bạn hiểu hơn về ý nghĩa tiểu phẩm và có những điểm nhấn trong phần thi của mình. Tuy nhiên, rất khó khi trong một thời gian ngắn đòi hỏi các thí sinh không chuyên tiếp thu tốt và tạo được tiếng cười sảng khoái như nghệ sĩ chuyên nghiệp”.
NSƯT Ngọc Giàu nói: “Sao Đài Truyền hình Việt Nam lại có thể thương mại hóa một cách lộ liễu như thế? Vấn đề này phải chăng là việc bán sóng để thu quảng cáo, còn nội dung chương trình cứ để mặc cho đơn vị hợp tác làm ra sao thì ra. Tìm tài năng hài đâu phải như thế?”.
Lùm xùm hậu trường
Theo phản ánh của một số thí sinh khu vực phía Nam ở vòng chung kết diễn ra tại Hà Nội, thí sinh có SBD 0667 đã bị loại ở vòng bán kết nhưng lại có mặt tại Hà Nội để tranh tài trong vòng chung kết.
Để xóa đi sự nghi ngờ của các thí sinh khác, thí sinh này (cũng là tổng giám đốc một công ty) đã mời 12 thí sinh dự tiệc, trao phong bì cho mỗi người 500.000 đồng.
Thí sinh Trần Thanh Quang (SBD 0677), học viên của lớp đào tạo diễn viên Kịch Phú Nhuận, xác nhận: “Tôi có đi dự nhưng không nhận tiền”. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với NSƯT Hồng Vân – thành viên ban giám khảo – về trường hợp của thí sinh này.
Chị cho biết: “Hôm ở trường quay, chúng tôi cố tình diễn. Nghĩa là báo với thí sinh là rớt nhưng khi ra ngoài trường quay lại trao chiếc quạt – chiếc vé để thí sinh vào tiếp vòng trong. Anh thí sinh này nằm trong trường hợp “diễn” của ban giám khảo. Còn vấn đề mời đi ăn và trao tặng tiền, chúng tôi sẽ kiểm chứng lại” (!?)
Các thí sinh ở khu vực phía Nam còn cho biết họ được mời đến tham gia lễ hội Halloween và bị ép lên sân khấu Công viên Hồ Tây để diễn hài, lại bị buộc đóng tiền mỗi người 500.000 đồng để được… diễn (?)
Thí sinh Nguyễn Thiện Chung đã viết đơn gửi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM kiện Ban Tổ chức cuộc thi Vua hài đất Việt về việc anh bị loại khỏi vòng bán kết chỉ vì “cung cấp thông tin cho báo chí viết bài phê bình cuộc thi Vua hài đất Việt”.
Bài và ảnh: RCL
người lao động