QL 1A đoạn đi qua Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) – một trong những điểm bị địch đánh phá ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. |
Trong ký ức của ông Tịnh, trận Đập Rậm ngày 19/4/1965 nhằm bảo vệ mục tiêu cầu Cày và QL 1A là trận đánh ác liệt nhất mà ông từng tham gia. “Ở trận Đập Rậm, dân quân xã phối hợp với Đại đội Pháo phòng không Bình Định thuộc Tiểu đoàn Bình Hà bắn rơi máy bay AD6 và bắt sống tên giặc lái tại Đội Ngãi, nay là xóm Đoài Thịnh. Để hạ thành công máy bay AD6, 2 trung đội dân quân xã Thạch Trung đã thay nhau ngày đêm canh giữ trận địa, thậm chí, họ phải nằm dưới sông Cày để phục kích” – ông Tịnh kể lại.
Còn với ông Nguyễn Văn Huỳnh (80 tuổi, xóm Trung Phú) thì trận đánh tại chốt núi Nài ngày 26/3/1965 đã ghi dấu chiến công hiển hách của quân dân xã Thạch Trung. Ông Huỳnh cho biết: “Lúc đó, dân quân xã Thạch Trung cùng với các xã lân cận như: Thạch Linh, Văn Yên, Thạch Quý, Đại Nài đã phối hợp với Trung đội Pháo phòng không 12,7 ly bắn rơi 12 máy bay của địch. Sau chiến công hiển hách đó, các địa phương đều được tặng cờ thi đua, trong đó có Thạch Trung”. Ông Huỳnh còn cho biết thêm: “Năm 1972, lúc đó, tôi đang làm Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Trung, dân quân xã đã phối hợp với dân quân xã Đại Nài bắn rơi 1 máy bay AD6 và đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba”.
Theo thống kê của xã Thạch Trung, từ năm 1965-1972, cán bộ, nhân dân và LLVT xã đã phối hợp với các đơn vị bộ đội trên địa bàn và dân quân du kích các xã bạn chiến đấu 150 trận lớn nhỏ, góp phần cùng các lực lượng trên địa bàn bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Riêng lực lượng dân quân xã Thạch Trung đã chiến đấu 35 trận. Cũng theo thống kê, trong những năm chiến tranh, lực lượng dân quân du kích xã đã huy động trên 20.000 ngày công, đào đắp 320 công sự, trận địa chiến đấu, 836 hầm trú ẩn, 314 lũy chống bom bi, đào 7 km hào giao thông, đóng góp hơn 10.000 kg gạo… Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nhân dân xã Thạch Trung còn góp sức vào việc bảo đảm giao thông vận tải, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và chăn nuôi.
Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Hà (tập 2, 1954–2000) cũng ghi dấu chiến công của quân và dân xã Thạch Trung: trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Thạch Trung có 1.123 người con lên đường nhập ngũ, trong đó, bộ đội chống Pháp 231 người, chống Mỹ 570 người, nhập ngũ sau năm 1975 là 322 người. Toàn xã có 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 anh hùng LLVT nhân dân, 79 liệt sỹ, 106 thương, bệnh binh, 25 người nhiễm chất độc hóa học. Suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, xã Thạch Trung có 1.730 người tham gia lực lượng TNXP; 860 người đi dân công hỏa tuyến, 995 người tham gia dân quân du kích; 52 người tham gia vận tải đường sông. Đến nay, toàn xã có 575 cá nhân và 160 gia đình được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến…
Anh hùng trong thời kỳ đổi mới
Trong thời kỳ đổi mới, Thạch Trung đã và đang đạt được những thành tựu trên tất cả các mặt: kinh tế phát triển, chính trị ổn định, QPAN được giữ vững. Cùng với cả nước, sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đời sống người dân xã Thạch Trung đang được nâng lên rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13%, tổng giá trị các ngành sản xuất trong năm bình quân đạt 46 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ giàu toàn xã chiếm 25%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,5%, không có hộ đói.
Những mầm non mới được nuôi dưỡng bằng truyền thống anh hùng của quê hương |
Thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng NTM, đến nay, xã Thạch Trung đã đạt 13/19 tiêu chí. Toàn xã hiện có 89% đường giao thông nông thôn và 27,8 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, 100% thôn xóm có nhà văn hóa kiên cố, trên 98,9% hộ có phương tiện nghe nhìn và trên 97,6% hộ đạt gia đình văn hóa… Thạch Trung cũng là một trong những điểm sáng thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết, người dân địa phương chủ yếu là đồng bào công giáo đã thực sự “sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước”.
Ông Nguyễn Đình Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thạch Trung cho biết: “Những tài liệu, huân, huy chương, cờ quyết thắng, bằng khen chứng nhận thành tích đều đã bị thiêu rụi khi Mỹ đánh bom trụ sở UBND xã năm 1968 và thất lạc do nhiều lần chuyển địa điểm trụ sở nên việc đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Trung vẫn còn gặp khó khăn. Chúng tôi đang tiến hành thu thập tài liệu để đề nghị Nhà nước xem xét, ghi nhận những cống hiến to lớn của quân và dân xã nhà để tri ân những hy sinh, đóng góp của thế hệ đi trước và kịp thời động viên các thế hệ hôm nay”.
Phan Trâm – Ngô Tuấn