Nguyễn Thị Ánh Linh (SN 1991), là con út trong gia đình có 3 anh em tại thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cao đẳng kinh tế chuyên ngành kế toán, Ánh Linh tích cực tham gia các hoạt động đoàn thanh niên ở địa phương; dự các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế, khởi sự doanh nghiệp… do đoàn tổ chức.
“Em nghĩ rằng, lập nghiệp không chỉ vào cơ quan nhà nước hoặc làm công cho các doanh nghiệp mà có thể tự mình làm chủ, xây dựng tương lai với khả năng của bản thân và sự ủng hộ của gia đình, đồng thời có thể vận dụng các điều kiện, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức Đoàn. Nhiều thanh niên lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, không được đào tạo chính quy, bài bản mà vẫn rất thành công. Còn em…, tại sao không ?!” – Linh tâm sự.
Nhận thấy nguồn cung gà, vịt ấp nở cho các khách hàng chăn nuôi hoặc ấp trứng lộn cung cấp cho nhà hàng đang có nhu cầu lớn, mang tính lâu dài, vốn đầu tư lại không quá lớn, cô đã bàn bạc, xin ý kiến bố mẹ, các anh trai về việc tổ chức SXKD từ mô hình lò ấp trứng công nghiệp. Được gia đình đồng tình, khích lệ, cô không quản nắng mưa, rong ruổi đến những cơ sở ấp trứng tại các địa phương trong, ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đầu vào nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm. Chưa yên tâm với những gì mình đã gom nhặt được, cô quyết định khăn gói đến một trung tâm ấp trứng công nghiệp có tiếng ở Thái Bình để tìm hiểu. Sau một thời gian ngắn, cô quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.
Bước đầu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cô đã từng bước vượt qua và triển khai hoàn thành các quy trình của lò ấp trứng công nghiệp tại vườn nhà với 1 nhà xưởng rộng 200m2, một lò ấp trứng công suất 12.000 trứng/lượt, 1 khuôn viên 100 m2 để nuôi gà, vịt sau khi ấp. Mô hình bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2013 với tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 250 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí cho lãi hơn 15 triệu đồng/tháng – một con số không hề nhỏ đối với người bước đầu làm kinh tế và là mơ ước của những cán bộ, công chức mới vào nghề.
Mô hình lò ấp trứng công nghiệp của Ánh Linh được Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ thuộc T.Ư Đoàn khảo sát, đưa vào kế hoạch đầu tư nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật. Ánh Linh chia sẻ: “Thời gian tới, em sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, liên kết với các trang trại chăn nuôi nhằm ổn định đầu vào và đầu ra cho sản phẩm”. Để bổ sung thêm kiến thức, hiện tại, Ánh Linh đang theo học lớp thú y, chuyên về chăn nuôi gia cầm vừa cung cấp giống, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh.
Ý chí, nghị lực của đoàn viên Nguyễn Thị Ánh Linh là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp cho các ĐVTN noi theo.
Hồng Thủy
Báo Hà Tĩnh