Về niên đại, cả 4 văn bản chế phong này đều thuộc thời Bảo Đại, trong đó có 1 văn bản thuộc năm Bảo Đại thứ 10 (1934), 3 văn bản thuộc năm Bảo Đại thứ 12 (1936).
Về nội dung, trong 4 văn bản chế phong nói trên, có 2 chế ban cho cụ Lê Hữu Nhu với nội dung ca ngợi đức hạnh, tài năng và phong chức cho cụ.
Sắc phong cho cụ Lê Hữu Như |
Cụ Lê Hữu Nhu nguyên là Giáo thụ Trước tác hồi hưu, hội viên Đại biểu nhân dân. Nội dung chế phong ban ngày mùng 6 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 12 khen ngợi về cụ Lê Hữu Nhu như sau: “Trẫm nghĩ, lòng trung của bậc nhân thần vì nước, thủy chung son sắt. Quy chế thi hành triều đình ban tặng, ơn huệ thấm khắp. Ngày lành tháng tốt, chiếu báu ban ra. Này ngươi, quan Thị độc nguyên Giáo thụ hồi hưu, Hội viên Đại biểu nhân dân Lê Hữu Nhu. Khí khái hiên ngang, nho nhã đường hoàng. Cẩn thận siêng năng, cung kính theo điều răn bảo, những mong theo lời dạy dỗ giữ phép phụng công. Gắng gỏi chuyên cần, hòa mục giữ tiết làm tôi, quyết giữ lòng thành chăm chắm tận trung sửa chức. Nơi triều đình tỏ rõ mưu lược, chốn biên thùy vòi vọi chí cao. Nghĩ con đường hoạn lộ của ngươi, đã trải bao công lớn mà chưa từng được hưởng ân sâu. Nay đương năm lễ lớn vui mừng, ban ơn huệ vẻ vang để rạng rỡ tân mệnh uy nghi. Nay đặc biệt chuẩn thăng cho ngươi là Triều liệt đại phu, Quang lộc tự Thiếu khanh, nhưng vẫn hưu trí.”
Hai bản chế phong còn lại ban cho cha mẹ của cụ Lê Hữu Nhu là cụ Lê Đình Cứ và cụ Lê Thị Phúc.Nội dung của 2 bản chế phong ca ngợi nết hạnh, biểu dương đức tính và ban phong chức vị. Như bản chế phong ban cho cụ Lê Đình Cứ đã khen cụ là “Kìa ngươi, Lê Đình Cứ đã mất, là cố phụ của quan Quang lộc tự thiếu khanh cố Lê Hữu Nhu. Nắm giữ khuôn phép, noi theo đức cũ. Thương yêu con thì dạy điều khuôn phép, làm quan giỏi bởi khuyến khích điều trung… Nay đặc biệt ban tặng cho ngươi là Phụng thành đại phu, Hàn lâm viện thị giảng. ”
Sắc phong cho cụ Lê Đình Cứ (cha của của cụ Lê Hữu Nhu) |
Hay như bản chế phong ban cho mẹ của cụ Lê Hữu Nhu cũng có nội dung khen ngợi đức hạnh và gia phong phẩm hàm, “Này ngươi, Lê Thị Phúc đã mất, là mẹ của quan Quang lộc tự Thiếu khanh cố Lê Hữu Nhu. Đoan trang nết hạnh, hiền hậu giữ phép. Tần tảo nơi chốn khuê môn, sớm hôm giữ nết nhu mì. Đảm đang giữ phép dạy con, khắc nghiêm dòng dõi gia môn. Nuôi con thành người khôn lớn, dạy con nên kẻ tài cao…. Nay đặc biệt ban tặng cho người là Tòng ngũ phẩm Nghi nhân”.
Qua những nội dung trên cho thấy, cả 4 văn bản chế phong đều là những tư liệu Hán – Nôm rất quý hiếm, giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hiểu sâu hơn về các nghi thức ban chế, quy cách, đối tượng được ban chế phong, sự quan tâm của triều đình đối với những người có công và người thân của họ.
Hoàng Ngọc Cương