Kinh tế

TGĐ Vingroup: Chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, khẳng định như trên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) 2024 diễn ra sáng 28/2.

Theo ông Quang, huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là phương thức huy động vốn không thể thiếu được ở một thị trường chứng khoán phát triển, đang ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam.

Sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, sự đa dạng của sản phẩm, khung pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn, để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư có thể đến từ trong nước hoặc quốc tế, giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp được hiện thực hóa thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm, và chi phí vốn hợp lý.

Đồng thời, hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Quang cho biết, Vingroup đã tham gia TTCK Việt Nam từ rất sớm, sự phát triển của Vingroup ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó có TTCK đóng vai trò rất lớn.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup. (Ảnh: VGP)

Dẫn chứng tại Tập đoàn Vingroup, ông Quang cho biết, hiện nay, Vingroup đang có 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC), CTCP Vinhomes (mã VHM), CTCP Vincom Retail (mã VRE) có cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419 nghìn tỷ, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua thị TTCK Việt Nam và quốc tế.

Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Công ty VinFast Singapore, một công ty thành viên của Vingroup, đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên, chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (Mỹ).

Vingroup đã có nhiều kinh nghiệm huy động vốn từ phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế (cụ thể là tại thị trường chứng khoán Singapore), nhưng việc niêm yết tại NASDAQ đã mở ra những kênh huy động vốn mới với các nhà đầu tư lớn và uy tín trên toàn cầu, đồng thời Vingroup cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quản trị và công bố thông tin tại đất nước có nền tài chính phát triển nhất thế giới.

“Tuy nhiên, chúng tôi không quá bỡ ngỡ vì có sự chuẩn bị kỹ càng và đã có nền tảng tuân thủ các quy định tương tự tại Việt Nam”, ông Nguyễn Việt Quang nói.

Ông Quang cũng nhấn mạnh, để tối ưu hóa kênh huy động vốn và hoàn thiện hơn nữa, Vingroup đề xuất Chính phủ và các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và đề xuất giải pháp để nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời cải thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư và phát triển thị trường.

Cũng đánh giá cao vai trò của TTCK đối với nền kinh tế, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phân tích: TTCK cung cấp nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp so với vay ngân hàng.

Khoản vay ngân hàng có kỳ hạn tương đối ngắn và không ổn định. Các khoản vay này đồng thời yêu cầu thanh toán hàng năm hoặc vài tháng một lần. Cổ phiếu cung cấp nguồn vốn cố định dưới hình thức vốn chủ sở hữu.

Trái phiếu doanh nghiệp cung cấp nguồn vốn trong khoảng thời hạn từ 3 đến 5 năm.

Chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu của doanh nghiệp.

Chức năng thứ hai của TTCK là nhằm nâng cao sự thịnh vượng của công dân Việt Nam. Nhà đầu tư cổ phiếu có thể gia tăng giá trị tài sản khi giá cổ phiếu tăng. Nhà đầu tư trái phiếu có thể nhận lợi suất đầu tư cao hơn so với tiền gửi ngân hàng.

Quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu để tạo ra các khoản lợi nhuận đáng kể, sau đó được phân phối cho công dân dưới hình thức lương hưu.

Vị Tham tán khuyến nghị nhiều giải pháp để phát triển TTCK, trong đó có giải pháp nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề.

Nhiều giải pháp để lành mạnh hóa TTCK 2024

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương khẳng định: 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

Do vậy, ngành chứng khoán sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Gắn với đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực hoạt động các công ty chứng khoán, giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính, nhận diện khách hàng và thanh toán điện tử, dịch vụ tư vấn đầu tư, thúc đẩy giao dịch tài chính số hóa.

Ủy ban cũng sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ, theo dõi thường xuyên liên tục với từng công ty, xây dựng phương án với từng trường hợp công ty chứng khoán để có biện pháp xử lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Một giải pháp nữa được nêu ra là đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Trong đó khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch; phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh, doanh nghiệp xanh; sản phẩm hợp đồng tương lai...

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng nhấn mạnh việc phát triển, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới đầu tư bền vững.

Tác giả: Công Hiếu

Nguồn tin: vtcnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP