Trong nước

Tăng ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực trọng yếu

Tổng bí thư lưu ý, khóa 13 cần tăng cường số lượng ủy viên TƯ ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm.

Trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, để chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng BCH TƯ mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực

Theo Tổng bí thư, BCH TƯ khóa 13 phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Tổng bí thư: Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, BCH TƯ khoá 13 cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng ủy viên TƯ Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.

Việc giới thiệu nhân sự, nói chung phải trên cơ sở quy hoạch; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định, phát huy trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan trong đánh giá, giới thiệu, lựa chọn nhân sự tham gia BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới.

"Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng bí thư, ủy viên BCH TƯ khoá 13 phải thật sự là những nhân sự tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ.

Đặc biệt chú trọng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc.

Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.

Đồng thời, ủy viên BCH TƯ khoá 13 phải là những người có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi.

Có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.

Ủy viên BCH TƯ khoá 13 phải có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của BCH TƯ.

Có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn tỏ rõ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có "sản phẩm" cụ thể, rõ rệt.

Đó phải là những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của BCH TƯ; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

"Nói tóm lại là phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Không để lọt vào TƯ những người có 1 trong 6 khuyết điểm

Bên cạnh đó, Tổng bí thư lưu ý, kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào BCH TƯ khoá 13 những người có 1 trong 6 khuyết điểm.

Thứ nhất là, bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Hai là, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình,

Ba là để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bốn là không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút.

Năm là kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Sáu là vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Cùng với việc xác định rõ và nắm vững yêu cầu, tiêu chuẩn ủy viên BCH TƯ, Tổng bí thư yêu cầu phải tính toán, quy định rõ cơ cấu, số lượng BCH TƯ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng. Đây cũng là vấn đề luôn được quan tâm trong quá trình chuẩn bị nhân sự ở mỗi kỳ Đại hội.

Quan điểm chung và nhất quán ở các kỳ Đại hội là trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, BCH TƯ cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển; nhưng không nhất thiết lĩnh vực nào, ngành nào cũng phải có người tham gia BCH TƯ nếu không đủ tiêu chuẩn; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Giới thiệu để bầu làm ủy viên TƯ chính thức đối với các nhân sự có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để phân công phụ trách các lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính quyền, công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan trọng yếu của nhà nước ở TƯ, địa phương và lực lượng vũ trang.

Các ban đảng ở TƯ và một số bộ, ngành, địa phương thuộc vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tăng cường số lượng ủy viên TƯ Đảng.

Tổng bí thư cũng yêu cầu, trong cơ cấu của BCH TƯ khoá 13 cần chú ý bảo đảm tỉ lệ hợp lý đối với cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia BCH TƯ.

Rút kinh nghiệm từ các khoá trước, việc xác định số lượng ủy viên BCH TƯ khoá 13 cần căn cứ chủ yếu vào yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình, căn cứ vào yêu cầu lãnh đạo toàn diện đối với các địa bàn, lĩnh vực công tác, đặc biệt là phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần tuý chạy theo số lượng.

Tác giả: Thu Hằng

Nguôn tin: Báo VietNamNet.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP