Năm 2015, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng đi vào trọng tâm trọng điểm, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức của người dân. Công tác thông tin liên lạc, chỉ huy điều động lực lượng chữa cháy của Ban chỉ đạo các cấp nhanh chóng kịp thời. Ban chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp từng bước hoạt động có hiệu quả, đã đôn đốc kiểm tra, bổ cứu kịp thời các tồn tại, góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Năm qua, lực lượng Kiểm lâm, các ngành chức năng, chủ rừng đã phát hiện và xử lý 328 vụ vi phạm, đã khởi tố hình sự 3 vụ; tịch thu hơn 500 mét khối gỗ các loại, hơn 120kg động vật, 22 phương tiện và tang vật, thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng. Công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp được đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, 138 xã thuộc 12 huyện đã hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính, đánh giá đặc điểm khu rừng. Các huyện đã lập hồ sơ giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đạt gần 96%.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT tặng hoa chúc mừng Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh |
Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là một số địa phương có biểu hiện lơ là trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Rõ nhất là khi để xảy ra cháy, công tác huy động phương tiện lực lượng bốn tại chỗ hạn chế, không kịp thời. Bằng chứng là số vụ cháy rừng tăng 1 vụ so với năm trước với 18 vụ, 70 ha diện tích rừng bị cháy trên địa bàn 7 huyện, thị xã trên toàn tỉnh.
Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh đã thông qua quyết định thành lập Chi cục Kiểm lâm tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm trước đây; trao quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo chi cục. Theo quyết định, Chi cục Kiểm lâm hoạt động theo quy định của pháp luật và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tặng Bằng khen của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân |
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao một số mặt công tác trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ ra một số vấn đề cần được phân tích, làm rõ. Trong đó, điều đáng lo ngại là chỉ có 2,7% chủ rừng phát hiện số vụ vi phạm, chứng tỏ chưa thể quản lý rừng tại gốc. Đây chính là gốc rễ trong vấn đề quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, công tác chữa cháy nhiều nơi còn thiếu hiệu quả. Công tác quản lý sản phẩm gỗ chế biến còn bất cập.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: Nguyên nhân là do chưa phân định rõ chủ thể sở hữu rừng, chủ thể nhà nước còn chiếm đa số, nên gắn trách nhiệm không rõ, xử lý không nghiêm; cơ chế phối hợp tổ chức thực hiện và vai trò chính quyền địa phương nhiều nơi chưa phát huy rõ nét.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn |
Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm thường xuyên, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Bởi vậy, các địa phương cần hoàn thành giao đất giao rừng ngoài thực địa, tiếp tục rà soát diện tích của các chủ rừng mới, chủ rừng lớn; xác định các vùng trọng yếu trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng quy chế phối hợp bài bản hơn, gắn trách nhiệm rõ ràng hơn.
Về giải pháp, phải đẩy mạnh tuyền truyền, chủ động xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tận cơ sở, kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các chủ rừng và ý thức của nhân dân trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Nguyễn Hằng