Kỳ Anh

Tan hoang vùng giáp ranh (Kỳ III)

Khi những cánh rừng bên đất Kỳ Anh – Hà Tĩnh ngày càng cạn kiệt thì lâm tặc ào ạt chuyển vùng “làm ăn” vào sâu trong rừng phòng hộ Tuyên Hóa – Quảng Bình

Tin liên quan:

> Lâm tặc đại náo
> Hà Tĩnh: Tan nát đầu nguồn

Rừng Kỳ Anh – Hà Tĩnh và rừng Tuyên Hóa – Quảng Bình giáp nhau, thuộc sự quản lý của Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh và BQL Rừng phòng hộ Tuyên Hóa. Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Tuyên Hóa, lo lắng: “Lâm tặc đã lấn sang rừng Tuyên Hóa vài năm nay. Nếu cứ đà này, chẳng mấy chốc, rừng phòng hộ Tuyên Hóa cũng bị phá sạch!”.



Bó tay nhìn lâm tặc chuyển gỗ



Cuối tháng 2 vừa qua, chúng tôi theo đường 12 đi về phía cảng Vũng Áng để đến vùng rừng giáp ranh Kỳ Anh – Tuyên Hóa và hết sức ngỡ ngàng vì dọc hai bên đường, những cánh rừng vẫn còn bạt ngàn, không hề thấy đống gỗ nào của lâm tặc tập kết. Tuy nhiên, khi đến gần Trạm Kiểm soát bảo vệ rừng Xuyên Á, chúng tôi đã thấy vô số gỗ lậu được trạm này bắt giữ để ngổn ngang chờ xử lý. Bên Hà Tĩnh, rừng bị phá tan hoang; còn phía Quảng Bình, nhiều cánh rừng cũng dần dần giãy chết.


BQL Rừng phòng hộ Tuyên Hóa hiện quản lý, bảo vệ 29.845 ha rừng. Trong đó, khu vực rừng giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh trải dài đến 30 km, thuộc các xã Ngư Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa, Đông Hóa và Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa… Do lực lượng bảo vệ mỏng nên rừng phòng hộ Tuyên Hóa đang bị chặt phá nghiêm trọng, tốc độ phá rừng năm sau cao hơn năm trước.



Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết không ít lâm lặc là dân Kỳ Anh sang chặt phá rừng bên Tuyên Hóa, song phía kiểm lâm Kỳ Anh vẫn làm ngơ. Lâm tặc không dám chặt phá rừng ở vùng gần đường 12, chỉ vào sâu bên trong hoành hành, sau đó chuyển “chiến lợi phẩm” về bên Hà Tĩnh. Điểm kéo gỗ ra bên đường 12 đã nằm bên đất Hà Tĩnh nên phía Quảng Bình đành… bó tay ngồi nhìn.


Khi những cánh rừng bên đất Kỳ Anh ngày càng cạn kiệt thì lâm tặc phía Hà Tĩnh đã ào ạt chuyển vùng “làm ăn” vào sâu trong rừng phòng hộ Tuyên Hóa, nhất là ở các tiểu khu 29B, 31, 32b… Ông Nguyễn Hoài Nam tâm sự: “Chúng tôi nắm rõ điều này, song lực lượng của BQL chưa đủ mạnh, chưa đủ bản lĩnh và công cụ hỗ trợ nên đành bó tay. Tình trạng này ngày càng diễn ra công khai”.



Cần bắt tay nhau



Một cán bộ Trạm Kiểm lâm liên ngành Quảng Bình đóng tại Km 57 trên đường 12 nhận xét: “Chính quyền và các ngành chức năng phía Hà Tĩnh buông lỏng quản lý nên đã tạo điều kiện cho lâm tặc khai phá tan hoang rừng đầu nguồn giáp ranh của cả hai tỉnh”.


Trao đổi với chúng tôi xung quanh chuyện làm gì để giải quyết được vấn nạn lâm tặc Kỳ Anh vào khai thác trộm gỗ ở rừng Quảng Bình, ông Lê Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, nhấn mạnh: “Chính quyền cũng như kiểm lâm hai tỉnh, hai huyện cần bắt tay nhau thật chặt, may ra mới ngăn chặn được nạn phá rừng vùng giáp ranh. Đường 12 về Kỳ Anh rất thuận lợi, rừng giáp ranh lại nhiều gỗ, chẳng khác nào mỡ để miệng mèo. Một khi huyện Kỳ Anh đã buông lỏng quản lý, để lâm tặc tập kết gỗ dọc đường thành từng đống thì phía Quảng Bình càng đơn thương độc mã trong cuộc chiến bảo vệ rừng này”.

Rừng đặc dụng Hải Vân bị tàn phá


Trong những ngày qua, người dân Đà Nẵng rất bức xúc trước việc Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu ngang nhiên cho phép Công ty Chế biến vật tư xây dựng Thủy Tú khai thác đất trái phép tại tiểu khu 11 rừng đặc dụng Hải Vân làm khu rừng cấm này bị tàn phá.


Tại tiểu khu 11 chiều 17-3, nhiều cây rừng bị xe xúc ngã đổ, một vạt rừng đã bị tàn phá. Ông Thân Minh Đức, cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, cho biết ngày 11-3, UBND phường phát hiện khoảng 11 xe tải và xe xúc đang khai thác đất tại khu vực rừng cấm ở tiểu khu 11. Ông Hồ Ngọc Lượng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, cho rằng việc múc đất là để làm đường công vụ phòng cháy chữa cháy rừng. UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã lập biên bản đình chỉ việc khai thác đất này.


Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm quận ngưng ngay việc khai thác đất và giải trình vụ việc. Ngày mai, 19-3, UBND quận Liên Chiểu sẽ tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng TP để làm rõ trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm quận.


H.Dũng- Th.Sách


Kỳ tới: Tôm “nuốt” rừng phòng hộ


Bài và ảnh: Hoàng Hà

NLD

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP