“Chúng tôi không thể chấp nhận cách ứng xử giống như chuyện đã rồi”. Ngày 17-6, người phát ngôn chính phủ Nhật Yoshihide Suga tuyên bố như trên để phản ứng sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo công trình bồi đắp các đảo trên biển Đông sắp hoàn tất.

Tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc không thực hiện các hành động đơn phương nhằm làm biến đổi nguyên trạng không thể khôi phục và dẫn đến căng thẳng”.

Trong khi đó, Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo ghi nhận Mỹ đã biết Trung Quốc sẽ hoàn tất một số công trình cải tạo đất ở biển Đông trong những ngày tới, tuy nhiên Mỹ quan tâm đến các kế hoạch của Trung Quốc tiếp theo hoạt động xây dựng, đặc biệt là về quân sự.

Thông cáo khẳng định kế hoạch dừng cải tạo đất của Trung Quốc không góp phần làm giảm căng thẳng, ủng hộ các giải pháp ngoại giao và hòa bình hoặc củng cố an ninh hàng hải.

Đá Chữ Thập sau khi hoàn tất bồi đắp. Ảnh: jstv.cn

Hồi cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã từng hối thúc Trung Quốc dừng cải tạo đất ngay. Lúc đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khăng khăng phản đối.

Vậy tại sao trong tuyên bố ngày 16-6 thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo chấm dứt cải tạo đất?

Tạp chí The Diplomat (Nhật) đưa ra một số lý do giải thích:

 Lý do đơn giản nhất là Trung Quốc muốn tránh bão sắp tới trên biển Đông.

 Vào tháng 7 tòa trọng tài thường trực của LHQ sẽ mở phiên điều trần về đơn của Philippines kiện Trung Quốc. Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa này nên bây giờ dừng xây đảo nhân tạo để tránh bị công kích.

 Trung Quốc muốn Trung Quốc và Mỹ tỏ thái độ tích cực vì Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang Mỹ vào tháng 9 và Trung-Mỹ sắp tổ chức đối thoại chiến lược và kinh tế trong tháng này.

Ngoài ra, Mỹ chuẩn bị bước vào mùa vận động bầu cử tổng thống và Trung Quốc không muốn trở thành đầu đề cho các ứng cử viên Mỹ tranh luận.

Nếu nhìn rộng hơn, Trung Quốc quyết định dừng cải tạo đất có thể vì lợi ích riêng. Trung Quốc đang muốn thúc đẩy chiến lược “Một vành đai, một con đường” nên phải điều chỉnh chiến lược và chính sách ở biển Đông.

Tạp chí The Diplomat nhận định động thái của Trung Quốc thường diễn ra theo chu kỳ: Khẳng định rồi trấn an và quay trở lại khẳng định.

Với quyết định dừng cải tạo đất ở biển Đông, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn “trấn an”, tuy nhiên khi tình hình khu vực ổn định trở lại thì Trung Quốc sẽ lại tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo.

Báo Christian Science Monitor (Mỹ) nhận định dù Trung Quốc dừng cải tạo đất thì các hoài nghi về mưu đồ của Bắc Kinh vẫn không giảm. Lý do: Tuyên bố ngày 16-6 của Trung Quốc vẫn nói sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo mới bồi đắp.

Báo New York Times viết bài với đầu đề “Trung Quốc tạm dừng xây dựng đảo nhưng không phải dừng các dự án”.

Tạp chí The Diplomat lưu ý cần tham khảo ví dụ về giàn khoan Hải Dương 981. Trung Quốc chỉ rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam khi công việc đã hoàn thành. Do đó ở biển Đông, Trung Quốc cũng chỉ dừng cải tạo đất sau khi đã tôn tạo xong các đảo nhân tạo để thiết lập cơ sở đồn trú mới. Tuyên bố ngày 16-6 của Trung Quốc hàm ý công trình cải tạo đất kết thúc vì đã đến lúc hoàn tất chứ không phải hủy bỏ dự án.

Dù mục đích cải tạo đất và xây dựng thế nào đi nữa thì cũng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông…

____________________________________

Chúng tôi tiếp tục khuyến khích Trung Quốc chấm dứt cải tạo đất và xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippinestuyên bố ngày 17-6

HOÀNG DUY