Trong nước

Tài sản bất minh của quan chức bị đề nghị truy thu thuế

Chính phủ đề xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý.

Sáng nay, UB Tư pháp của QH họp phiên toàn thể thẩm tra dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đề xuất truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Tổng Thanh tra CP Lê Minh Khái

Tài sản này được coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định.

Truy thu lên đến 45% tài sản

“Áp dụng tương tự pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh”, ông Khái cho hay.

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, ý kiến của nhóm nghiên cứu UB cho biết đối với tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp, đến nay vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng việc dự thảo luật bổ sung quy định xử lý đối với các loại tài sản này là rất cần thiết, phù hợp với các ý kiến đề nghị của đa số ĐBQH.

Phiên họp toàn thể của UB Tư pháp sáng nay

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, việc dự thảo luật quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp.

Trên thực tế, tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý có thể phân thành các loại khác nhau và có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nên cần có cách xử lý khác nhau.

Do đó, đối với các trường hợp tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, cần cân nhắc việc có nên truy thu tài sản hay chỉ nên xử lý vi phạm về con người. Nếu có xử lý về tài sản thì mức độ xử lý cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý.

Dự thảo cũng cần phải bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản kê khai không trung thực sẽ bị xử lý để bảo đảm tính phù hợp trong thực hiện.

Ông Cường cũng cho hay, nhiều ý kiến tán thành với việc xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý ở mức 45% với lập luận như báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ. Đồng thời tán thành quy định, việc thu thuế không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự hoặc tịch thu tài sản nếu sau đó lại chứng minh được tài sản là bất hợp pháp, do phạm tội mà có.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng quan hệ giữa nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát tài sản, thu nhập là quan hệ hành chính, theo đó nhà nước yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, đối với tài sản không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì có thể áp dụng chế tài của nhà nước theo hướng tài sản bị tịch thu một phần.

Vì vậy, việc truy thu thuế thu nhập cá nhân là không đúng với bản chất của sắc thuế này; đồng thời sẽ không rõ là trong trường hợp này có tiếp tục xử lý về hành vi trốn thuế hay không.

Kiểm soát tài sản cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, Tổng TTCP cho hay, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng.

Đối tượng có nghĩa vụ kê khai gồm: các ĐBQH , HĐND các cấp; người ứng cử ĐBQH, HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, DNNN hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các DN có vốn nhà nước.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, ông Khái cho hay có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm cán bộ này. Mọi trường hợp phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự luật.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự luật chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan đảng mà áp dụng các quy định của luật Phòng chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung”, Tổng TTCP nói.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP