Kinh tế

Sụt hơn 50.000 tỷ đồng, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giàu đến mức nào?

Với diễn biến giá cổ phiếu VIC trong 2 tháng qua, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng sụt giảm khoảng 50.975,2 tỷ đồng, tuy nhiên, ông vẫn giàu nhất Việt Nam.

Tài sản sụt giảm so với 2 tháng trước tuy nhiên ông Phạm Nhật Vượng vẫn giàu nhất Việt Nam (Ảnh minh họa: Vingroup/Forbes).

Trong phiên giao dịch cuối tuần 18/6, cổ phiếu VIC của Vingroup đã hồi phục 400 đồng tương ứng 0,34% lên 117.400 đồng/cổ phiếu. Cũng tại phiên này, VN-Index tăng rất mạnh, thiết lập đỉnh lịch sử mới 1.377,77 điểm.

Trước đó, trong hai phiên 16/6 và 17/6, cổ phiếu VIC đã có hai phiên giảm khá mạnh, lần lượt đánh mất 2,14% và 1,76%. Tính chung trong một tuần giao dịch vừa qua, VIC sụt khoảng 0,51% và giảm khoảng 2,25% trong vòng một tháng.

Tại mức giá này của VIC, vốn hóa thị trường của Vingroup đạt 397.097 tỷ đồng và xếp sau vốn hóa thị trường của Vietcombank (đạt 402.413 tỷ đồng).

Mức đỉnh của VIC thiết lập vào ngày 19/4 với mức giá 144.000 đồng. Như vậy, so với mức giá đỉnh, VIC đã giảm 26.600 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng giảm 18,5% trong 2 tháng.

Diễn biến giá cổ phiếu VIC trong 3 tháng qua (Ảnh chụp màn hình; Stockbiz).


Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - hiện nắm giữ trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp 1,04 tỷ cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Tổng giá trị tài sản của ông Vượng tại VIC đạt 224.982 tỷ đồng tại thời điểm chốt phiên giao dịch 18/6.

Với diễn biến giá cổ phiếu VIC trong 2 tháng qua, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng sụt giảm khoảng 50.975,2 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn lớn hơn tổng giá trị tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Ông Long đang sở hữu khối tài sản 45.014 tỷ đồng tại HPG và đang xếp thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam.

Các vị trí sau đó lần lượt thuộc về ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) với 32.686 tỷ đồng; ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank với 28.548 tỷ đồng; ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group với 27.551 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt với 27.417 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của giá cổ phiếu nên vị trí của các nữ đại gia trong bảng xếp hạng người giàu chứng khoán tại Việt Nam phần nào bị "lép vế" hơn trước.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air - hiện xếp thứ 7 với tổng tài sản chứng khoán là 25.509 tỷ đồng và bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup - xếp thứ 8 với giá trị cổ phiếu đạt 17.734 tỷ đồng.

Cổ phiếu LPB và THD bứt tốc ngoạn mục suốt thời gian qua giúp ông Nguyễn Đức Thụy ghi danh trong top 10 những đại gia giàu nhất thị trường chứng khoán Việt. Tổng giá trị tài sản của ông Thụy hiện là 17.578 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Hồ Xuân Năng với sở hữu lớn tại VCS đang có 13.261 tỷ đồng giá trị tài sản chứng khoán.

Ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng đạt 8,1 tỷ USD, theo Forbes (Ảnh chụp màn hình).


Trong khi đó, theo thống kê của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng đạt 8,1 tỷ USD. Ông Vượng xếp thứ 322 trong danh sách người giàu thế giới thời điểm hiện tại.

Ông Trần Đình Long là tỷ phú USD giàu thứ hai Việt Nam được Forbes công nhận, giá trị tài sản ròng ở mức 3,5 tỷ USD. Kế đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với giá trị tài sản ròng là 2,4 tỷ USD.

Ông Hồ Hùng Anh có 1,9 tỷ USD; ông Trần Bá Dương và gia đình có 1,6 tỷ USD và ông Nguyễn Đăng Quang có 1,4 tỷ USD.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP