Cầu Hộ Độ được đưa vào sử dụng từ tháng 6 năm 1996. Đến nay ngoài sự tác động của thời tiết, địa hình, nước mặn xâm thực và sự cố va chạm với 4 tàu, xà lan của dân sự và quân sự đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của cầu. Đặc biệt vụ va chạm của xà lan HQ 967 năm 2002 đã làm nứt trụ cầu, đến nay các dầm và trụ cầu số 3 đã xuất hiện nhiều vết nứt mới cần được gia cố kịp thời.
Tại Hội thảo, nhóm nghiêm cứu đến từ bộ môn Sức bền vật liệu – Trường Đại học GTVT và Công ty Sbtech đã giới thiệu về công nghệ tăng cường kết cấu sử dụng vật liệu compozit Tyfo và phương án sữa chữa, tăng cường cầu Hộ Độ bằng công nghệ này.
Sau khi nghe phương án, đã có hơn 20 ý kiến của đại biểu góp ý, phản biện phương án đưa ra về mặt kỹ thuật, đồng thời đề xuất các vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế, tuổi thọ công trình và mỹ thuật.
Ông Trần Đắc Đại – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho rằng, áp dụng công nghệ tiên tiến là rất cần thiết, tuy nhiên cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng để đảm bảo yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Đối với dự án sữa chữa cầu Hộ Độ, Sở thống nhất với phương án đề xuất, giao các phòng ban liên quan hoàn thiện hồ sơ trong tháng 6/2013 để xin ý kiến các ngành thống nhất triển khai.
Được biết công nghệ dán sợi thủy tinh Tyfo trong sửa chữa, tăng cường cầu đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, Bộ GTVT đã đồng ý cho Bộ môn sức bền vật liệu, Trường Đại học GTVT và Công ty Sbtech nghiên cứu ứng dụng triển khai tại hơn 50 công trình cầu trên toàn quốc. Các dự án sửa chữa này đảm bảo vượt mức về chất lượng kỹ thuật, tiết kiệm ngân sách và mức đầu tư đáng kể.
Thái Sơn
Báo Hà Tĩnh