Bài 5: Sóng ngầm nơi moong mỏ
Bài 4: Cái chết tức tưởi của hai cháu nhỏ
Bài 3: Ở nông thôn mà chật hơn… Hà Nội
Bài 2: Những cuộc di chuyển mộ không… hài cốt
Bài 1: “Có nơi nào khổ như chúng tôi không?”
Thú câu cá ở Hà Tĩnh: Một ngày bị… “trời đày”
Di dời được 20 trong số gần… 4000 hộ
Phát biểu về tiến độ của dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Thái Văn Hoá, Trưởng Ban quản lý khu vực mỏ sắt Thạch Khê thông báo:
Về công tác GPMB, đến nay mới có 663ha/3898ha toàn khu vực. Hiện nay các công trình đang bị tạm dừng do thiếu vốn. Tỉnh đã đầu tư 5 tỷ đồng trong việc cho lập dự án bồi thường giai đoạn ban đầu. Công ty sắt thì mới đầu tư cho GPMB 281, trên tổng mức đầu tư 3.400 tỷ, mới được 8%. Kế hoạch năm 2011, công ty sắt rót vốn 712 tỷ, nhưng đến nay chỉ mới bố trí được hơn 99,2 tỷ (trong 10 tháng). Đã di dời được 20 hộ dân trong tổng số 3952 hộ, chỉ mới đạt được 0,005%.
Ông Hoá phân tích, việc khai thác ban đầu đã làm tụt mạch nước ngầm, người dân không có nước để sinh hoạt. Một số người dân đã kiến nghị yêu cầu dừng ngay việc khai thác nếu không được di dời, bồi thường. Một số hộ dân tự nguyện di dân nay lâm vào cảnh một chốn đôi quê, nợ nần chồng chất vì cứ nghĩ sẽ có tiền đền bù sớm nên đã vay mượn di dân trước, đến nay vẫn không có nên bức xúc.
Việc không đồng bộ trong việc bồi thường GPMB, xây dựng khu tái định cư, đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà máy nước đã làm mất niềm tin trong nhân dân, chính quyền các xã. Đặc biệt xã Thạch Hải, phải di dời toàn xã, xã có tới “9 cái không”, không định hướng được việc phát triển kinh tế xã hội đã làm rất nhiều kiến nghị. Không được xây dựng nông thôn mới, không được xây dựng khu tái định cư trong khi dân cả xã phải di dời 100%.
Công tác GPMB, kiểm đếm đã được làm từ lâu nhưng nhân dân đến nay vẫn phải chờ đợi do không có tiền chi trả. Không được tu sửa trụ sở, đường giao thông… trước đây bãi tắm Thạch Hải đưa lại nguồn thu đáng kể, nay đường sá bị hư hỏng, khu du lịch này coi như bỏ. Nguồn thu từ 1,7 tỷ xuống còn mấy trăm triệu một năm, tỉnh phải hỗ trợ.
Ông Thái Văn Hoá, Trưởng BQL khu vực mỏ sắt nói rằng, nếu như dự án được triển khai theo kiểu GPMB, tái định cư cho dân trước rồi mới vào khai thác thì chắc sẽ khác hơn. Doanh nghiệp phải hiểu được là người dân khổ vì ai? Ảnh: Duy Tuấn
Để ổn định tình hình người dân, không thể kéo dài tình trạng này, nếu không sẽ làm gánh nặng cho chính quyền huyện xã, sẽ cực kỳ khó khăn trong công tác GPMB sau này. Nếu như dừng lại lâu quá sẽ gây hiểu lầm trong dân. Do đó trước mắt, trong tháng 11 này, để ổn định tình hình, Cty phải bố trí số vốn tối thiểu như đã thống nhất để chi trả cho các công trình tái định cư để phục vụ cho việc di dân.
Đây là dự án có mức đầu tư lớn, chỉ tính riêng phần GPMB, tái định cư theo điều chỉnh đã là 6.400 tỷ. Theo như sự đồng ý của Chính phủ, cho phép bán quặng cho các công ty trong nước, đề nghị Cty làm rõ phương án khai thác, tiêu thụ, hiệu quả mang lại để có nguồn vốn đầu tư lại.
Tiến độ dự án vẫn bỏ ngỏ
Trước những vấn đề bức bách mà huyện, tỉnh và các đơn vị liên quan đưa ra, ông Phùng Mạnh Đắc – Phó Tổng GĐ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT TIC đã tiếp thu và sẽ báo cáo đầy đủ đến lãnh đạo tập đoàn.
Ông Phùng Mạnh Đắc, Phó TGĐ Tập đoàn TKV cũng chưa thể đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi mà hàng vạn người dân cũng như chính quyền Hà Tĩnh quan tâm: Tiến độ của dự án sẽ thế nào? Bao giờ thì người dân được “bốc” ra khỏi khu vực ảnh hưởng? Ảnh: Duy Tuấn
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất về tiến độ, lộ trình dự án thì vẫn đang bỏ ngỏ.
“Những cái khó của ngày hôm nay là hậu quả của những việc mà chúng ta đã làm trước đây. Chúng ta rất kỳ vọng, chúng ta rất hăng hái nhưng chúng ta làm trên cơ sở không có cơ sở pháp lý, dự án được duyệt rất sơ sài.
Riêng dự án mỏ được duyệt với số vốn là 9.900 tỷ, nhưng đến ngày hôm qua, tư vấn báo cáo lại với chúng tôi là đã lên đến 21.000 tỷ ở thời điểm hiện nay, và nếu như phương án nữa được duyệt là đổ ra ngoài biển thì nó là 28.000 tỷ, và nếu như cả đổ ra ngoài biển vừa sử dụng phương án quặng 37% đưa vào làm sắt xốp thì sẽ lên đến 31.000 tỷ”, ông Đắc nói.
Một người dân xóm 1 Thạch Đỉnh đang ngồi bó gối bên mảnh vườn bị lũ bùn “tấn công”. Ảnh: Duy Tuấn
Một vấn đề nữa là chúng ta triển khai dự án trong bối cảnh không có thiết kế kỹ thuật. Chúng ta được Thủ tướng cho phép thử nghiệm công nghệ, bóc đất trong tầng phủ. Làm là làm vậy thôi, nhưng mà hôm họp mới đây Thủ tướng có nói là làm chẳng đúng, “ai lại làm không có thiết kế”. Cái này cũng là cái làm cho Cty sắt Thạch Khê rất nhiều khó khăn.
“Thực tế là giữa những gì diễn ra ở hiện trường 6 xã và cái được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là không đồng bộ với nhau, nó có một độ vênh, độ vênh này nó có một phần lỗi rất lớn của lãnh đạo Cty CP sắt Thạch Khê, chúng tôi không phủ nhận cái đó. Đã chỉ đạo rất chậm chạp, đã chọn nhà thầu tư vấn rất lâu, làm hợp đồng rất mất thời gian, nhà thầu tư vấn triển khai cũng rất ì ạch, cho đến bây giờ vẫn chưa xong”, ông Đắc thừa nhận.
Trả lời câu hỏi của lãnh đạo tỉnh về tiến độ dự án, ông Đắc nói: “Tôi trả lời luôn về tiến độ, trong thông báo 164 của Thủ tướng có yêu cầu 4 vấn đề, vấn đề đầu tiên là phải xong thiết kế. Hiện nay để xây dựng thiết kế đó, được làm không đúng như là dự án đã được phê duyệt. Thế nên muốn duyệt thiết kế đấy phải duyệt cái điều chỉnh dự án đầu tư. Mà việc điều chỉnh này có tính đền việc đổ cát ra biển 2,5, với vành đai 9km với 143 triệu m3 đất cát.
Cái đói đã hiện hữu ở nhiều gia đình quanh mỏ sắt. Không biết họ sẽ chịu đựng đến bao giờ? Người dân nơi đây chẳng thể hiểu được những cái gọi là “”vấn đề vĩ mô của dự án”, họ chỉ biết, cuộc sống của họ đang bị đe doạ hàng ngày và họ chịu khổ là vì doanh nghiệp, vì dự án. Họ đã rất ủng hộ, sẵn sàng nhường lại đất, và cũng mong sự đồng thuận đó được đền đáp xứng đáng chứ không phải để nhận được sự khổ ải như hiện tại. Ảnh: Duy Tuấn
Về thiết kế kỹ thuật, thì chúng tôi đã làm việc với bên thiết kế, hạn đến 30/11 phải hoàn thành thiết kế kỹ thuật, để được duyệt thì mong rằng trong quý 1 năm 2012. Nếu phê duyệt được thiết kế thì mời phê duyệt được tiến độ thi công toàn bộ công trình, hạng mục và tiến độ huy động vốn để GPMB.
Chúng tôi cũng cố gắng hết sức, để trong quý 1 năm tới có thể trả lời được về tiến độ GPMB, tiến độ tái định cư, tiến độ phát triển dự án này. Có thể hơi lâu so với những gì chúng ta mong chờ nhưng vẫn còn hơn là ngồi yên không làm gì.
Cần một “đầu tàu”
Liên quan đến vấn đề thoái vốn theo kết luận của Thủ tướng, ông Đắc thông tin, cho đến nay tập đoàn TKV với 30% cổ phần đã đóng vào đây 346 tỷ. Và sau thông báo 164, tập đoàn chúng tôi đã có văn bản gửi đến Ngân hàng đầu tư và phát triển BIDV, gửi đến VNPT, gửi đến Tập đoàn Sông Đà và Vinashin.
“Và chúng tôi đã nhận được câu trả lời của Vinashin và VNPT là đồng ý chuyển nhượng của hai tập đoàn này là 9. Còn Sông Đà không đồng ý với thông báo 164 và có gửi công văn lên VPCP xin giữ lại cổ phần 5%. Còn BIDV thì vi phạm điều lệ, bán cổ phần đấy cho Tập đoàn Hoà Phát ngay từ khi mới thành lập và Hoà Phát luôn đi họp với danh nghĩa uỷ quyền của BIDV.
Nếu Tập đoàn TKV không phải là cổ đông chi phối chiếm 51% thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để xin rút ra khỏi toàn bộ dự án này. Nói thế là thể hiện quyết tâm của chúng tôi phải làm được việc này, để chúng tôi đứng đầu, chịu trách nhiệm với bà con 6 xã và với khu mỏ khó bậc nhất VN.
Chúng tôi quyết tâm chiếm giữ 51%, dù bây giờ là 2.400 tỷ vốn điều lệ, nếu như dự án này chúng ta chọn phương án 30.000 tỷ, ít nhất là 20% vốn điều lệ thì chỗ ấy là 6000 tỷ đồng vốn điều lệ. Mới 2400 mà mới huy động được 1000, mà còn chưa đủ. Các cổ đông quá yếu về mặt tài chính, quá thiếu trách nhiệm với công ty. Tập đoàn TKV chủ trì nhưng chúng tôi giơ lên thì cũng chỉ mới 30%, không thể quyết được. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có được 51%”.
Tuy nhiên, lãnh đạo TKV rất thừa nhận hiệu quả của dự án: Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một dự án có hiệu quả. Giá trị hiện tại thực ở cả hai phương án đều từ 2000 cho đến 4000 tỷ một năm lợi nhuận.
Duy Tuấn (ghi)
VietNamNet