"Startup là tương lai của tăng trưởng nhưng đây là hoạt động rất rủi ro". |
Thảo luận về startup và những lĩnh vực thu hút đầu tư tại một hội thảo diễn ra mới đây, TS. Võ Trí Thành cho rằng, startup cần hiểu theo nghĩa làm thế nào doanh nghiệp Việt sáng tạo hơn, chơi hay hơn, có cách kinh doanh mới hơn, sản phầm lạ hơn và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Trả lời câu hỏi Việt Nam có thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp không, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đáp: "Tôi rất tin, và nghĩ rằng nhiều người chia sẻ ý kiến này".
Ông Khương cũng dẫn một vài con số rất ấn tượng về khả năng huy động vốn của các startup như vào năm 2015 thì 8.000 startup tại Isael đã huy động 3,4 tỷ USD còn tại Pháp có 10.000 startup chỉ huy động được 1,8 tỷ USD thôi.
Vị chuyên gia cho rằng, khởi nghiệp trước tiên phải là một tinh thần, nhưng đồng thời rất cần năng lực.
"Các quốc gia đều hình dung startup là tương lai của tăng trưởng nhưng đây là hoạt động rất rủi ro, bởi 90% sẽ biến mất trong khoảng 3- 5 năm. Vấn đề quan trọng là khát vọng và tinh thần, có quyết tâm và theo mục tiêu đến cùng", ông nói.
Theo chuyên gia, khi đến Isarel, ông nhận thấy sự khác biệt là ngườI Isael luôn hỏi tại sao.
"Còn văn hoá Việt Nam là thích ứng. Người Việt không hỏi tại sao để thay đổi, mà hỏi làm gì để thích ứng. Chẳng hạn, ở khách sạn 5 sao cũng được, mà nằm chiếu cói cũng được…", giáo sư nói.
Nói về startup trong lĩnh vực nông nghiệp, TS. Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Việt Nam rất may là có chính sách giao đất nông nghiệp lâu dài cho người dân. Hiện Việt Nam có trên 8 triệu hộ làm nông nghiệp và 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trong nông nghiệp. Mỗi hộ nông dân đã là một doanh nghiệp nhỏ rồi.
Tuy nhiên, startup trong nông nghiệp hiện chỉ mới hình thành được một số nhà đầu tư, ở một số địa phương, một số địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang hình thành đề án bài bản, để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có những quy định dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Theo tôi, đối với khởi nghiệp cần đi từ khâu đào tạo, phần ươm tạo phải có doanh nghiệp lớn và có sự kết nối doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu 1 doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp mà giúp cho 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì phải có hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn đó. Tôi nhận thấy, các bạn trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo, có sản phẩm, công nghệ sạch. Vấn đề đặt ra là cần có mô hình kinh doanh, ươm tạo để phát triển", ông Tuấn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Duy, COO của SVF và CEO của Kova Trading, startup ở Việt Nam đang rất tốt. Đề án 844 về đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam đã được triển khai và hỗ trợ khởi nghiệp xuống các địa phương.
"Vừa rồi Chính phủ đã có nghị định về đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cho thấy Nhà nước đã đóng vai trò tích cực trong việc ra chính sách hỗ trợ và ủng hộ các startup. Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm nhiều đến các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này. Một trong những vấn đề là đổi mới sáng tạo sẽ cần phải được quan tâm", ông Duy nói.
Dù vậy, đại diện doanh nghiệp startup cũng cho rằng, đề án 844 mới chỉ nói đến có bao nhiêu startup mà chưa nói đến đổi mới, sáng tạo là bao nhiêu, có bao nhiêu bằng sáng chế... Để phát triển công nghiệp bền vững là phải dựa trên sáng tạo khoa học kỹ thuật.
"Về sáng tạo, truyền thông phải mạnh hơn nữa. Khởi nghiệp không phải là mở quán cafe kinh doanh, mà startup là đổi mới sáng tạo. Việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn yếu, nếu không bảo vệ sáng chế thì sẽ ảnh hưởng đến sáng tạo. Chúng ta cũng phải đổi thành câu "Quốc gia khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo" chứ không chỉ là "Quốc gia khởi nghiệp", ông nhấn mạnh.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí