Kinh tế

Rò rỉ dữ liệu 50 triệu người dùng, Facebook chịu án như 'muối bỏ bể'

Gây rúng động toàn cầu về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu 50 triệu người dùng nhưng Facebook chỉ bị phạt hơn 600.000 USD. Mark Zuckerberg chỉ mất khoảng 15 phút kinh doanh để bù phạt.

Theo The Verge, giới chức Anh cho biết Facebook sẽ phải đối mặt một khoản tiền phạt 644.000 USD từ vụ bê bối với công ty Cambridge Analytica làm lộ thông tin của 50 triệu người dùng.

“Chúng tôi cho rằng vấn đề này là rất nghiêm trọng nên đã áp mức phạt cao nhất theo luật quy định”, người đứng đầu Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (ICO) nói.

Mark Zuckerberg từng bị kêu gọi từ chức sau sự cố rò rir thông tin 50 triệu khách hàng.

Tuy nhiên, The Verge đánh giá, số tiền phạt này đối với một “gã khổng lồ” như Facebook chẳng khác nào là "muối bỏ biển". Công ty của tỷ phú Mark Zuckerberg chỉ mất khoảng 15 phút kinh doanh hàng ngày là có thể bù lại “án phạt cao nhất” trên.

Trong quý vừa rồi, doanh thu mà Facebook kiếm được là 5,1 tỷ USD. Vì vậy, khi so sánh giữa án phạt 644.000 USD và doanh thu này là... chẳng thấm vào đâu.

Khi so sánh với doanh thu của một ngày, số tiền phạt này cũng rất nhỏ. Chi tiết hơn nữa, trung bình mỗi giờ Facebook thu vào 2,4 triệu USD, vì vậy, án phạt của Anh chỉ bằng 1/4 doanh thu hãng kiếm được, tức chỉ mất 15 phút kinh doanh.

Tuy nhiên, theo trong tương lai, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này có thể phải đối mặt với số tiền phạt nhiều hơn. Nguyên nhân là khi giới chức Anh đưa ra án phạt, họ đã lưu ý Facebook đang bị ràng buộc bởi các quy tắc nghiêm ngặt của Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR) của Liên minh Châu Âu.

Trong tình huống này, Facebook có thể phải chịu phạt tới 22 triệu USD, số tiền tương đương gần 10 giờ doanh thu của hãng.

Tháng 3 năm nay, truyền thông quốc tế xôn xao khi “gã khổng lồ” Facebook bị tố bán đứng người dùng khi dữ liệu của 50 triệu khách hàng bị thu thập trái phép. Tuy nhiên, con số này chỉ là thống kê ban đầu.

Cambridge Analytica, công ty dữ liệu chính trị được thuê trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Trump năm 2016, đã thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook. Cụ thể, các dữ liệu này gồm danh tính người dùng, danh sách bạn bè và lịch sử “like”.

Từ dữ liệu này, Cambridge Analytica có thể lập bản đồ chi tiết tính cách cá nhân của người dùng dựa trên những gì họ đã “like” trên Facebook, rồi sau đó dùng thông tin này để hiển thị quảng cáo đúng đối tượng.

Năm 2014, Cambridge Analytica yêu cầu người dùng Facebook tham gia khảo sát cá nhân và tải ứng dụng về máy tính. Ứng dụng này thu thập một số thông tin cá nhân từ profile người dùng và bạn bè.

Chính Facebook đã cho phép thực hiện việc này nhưng sau đó quyết định ngăn cấm.

Tác giả: Phúc Minh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP