Một môi giới bất động sản tại Vân Đồn đang rao bán đảo Sậu Nam, một hòn đảo nguyên sinh tại đây. Theo giới thiệu, đảo có diện tích 650 ha, chiều dài khoảng 9km. Trong đó, đất rừng tự nhiên là hơn 400 ha, còn hơn 200 ha là rừng trồng.
"Đảo có bờ biển dài, nhiều bãi cát trắng, suối tự nhiên. Đặc biệt rừng nguyên sinh hoàn toàn tự nhiên chưa bị tác động của con người", anh này giới thiệu, đồng thời cho biết thêm đảo rất phù hợp cho các loại hình đầu tư về du lịch khám phá. Hiện nay hòn đảo cá nhân này đang sử dụng nuôi thủy hải sản.
Một hòn đảo khác được cấp sổ 50 năm tính từ năm 1994 cũng được chào mức giá 100 tỷ có thương lượng. Còn môi giới khác thì đang rao bán đảo Hòn Sồng với giá 550 triệu một ha, diện tích 8 ha.
Mẩu tin rao bán một hòn đảo tại Vân Đồn. Ảnh chụp màn hình |
Một hòn đảo loại đất rừng 50 năm khác được giới thiệu cạnh đảo Ngọc Vừng có diện tích 2 ha cũng được rao bán giá 1,5 tỷ đồng, bao phí chuyển quyền sử dụng. "Đảo phù hợp làm khu nghỉ dưỡng, phát triển sinh thái và dự án du lịch nghỉ dưỡng. Chỉ cần sau tháng 10, nếu Vân Đồn trở thành đặc khu, sân bay đưa vào khai thác thì giá có thể tiếp tục tăng theo cấp số nhân", môi giới này giới thiệu.
Bên cạnh những hòn đảo, không ít lô đất rừng có diện tích vài ha cũng được rao bán với những lời quảng cáo phù hợp để làm khách sạn, resort... Giá bán của những lô đất này được chào mời dao động từ 400 đến 600 triệu đồng mỗi ha.
Về tính pháp lý, các môi giới đều cam kết việc chuyển nhượng "hoàn toàn có thể thực hiện được". "Chỉ đạo của chính quyền là ngừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Còn việc giao dịch, sang tên không bị ảnh hưởng. Chỉ cần khách hàng đặt cọc, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để hoàn tất các thủ tục sang tên cho người mua", một môi giới khẳng định.
Tuy nhiên, thực tế, trong văn bản vừa ban hành đầu tuần trước nhằm kiểm soát cơn sốt đất trước kỳ vọng trở thành đặc khu, chính quyền huyện Vân Đồn đã nêu rõ quyết định tạm dừng chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết, đối với đất trồng rừng, đất nông nghiệp, đất ở đảo đã có quy định theo pháp luật vì vậy không được mua bán chuyển nhượng trái phép. Ông Hưng cũng dẫn chứng, như hòn đảo Sậu Nam không được phép mua bán.
“Liên quan đến tăng cường quản lý về đất đai trên địa bàn, tỉnh và huyện đã yêu cầu tạm dừng toàn bộ việc chuyển nhượng mua bán đất. Những trường hợp đặc biệt sẽ báo cáo tỉnh giải quyết”, ông Hưng nói.
Chia sẻ với VnExpress, Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Trí Việt cho rằng, Điều 192, Luật Đất đai 2013 nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó. Theo ông Nam, như vậy cũng đồng nghĩa, loại đất này thuộc trường hợp chuyển nhượng có điều kiện.
Hơn nữa, việc thay đổi mục đích sử dụng phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhà đầu tư không được tự ý triển khai hoạt động nghỉ dưỡng, du lịch tại đây. Bên cạnh đó, theo ông, do đây là đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nên trong trường hợp nhà nước thu hồi thì người nhận chuyển nhượng chỉ được bồi thường giá trị cây cối trên thửa đất, xem xét công sức cải tạo, hỗ trợ chuyển đổi công việc...
Với cơ sở pháp lý đó, ông Nam cho biết, nhà đầu tư cần đặc biệt cẩn trọng với việc mua các tài sản nói trên
Tác giả: Ngọc Tuyên - Minh Cương
Nguồn tin: Báo VnExpress