Công an xã Trung Lộc trao đổi với chủ máy gặt về hoạt động thu hoạch lúa Xuân trên địa bàn. |
Nhằm hạn chế tình trạng tranh giành, bảo kê, tự ý nâng giá gặt lúa, các địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, lực lượng Công an các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, nắm bắt thông tin địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc có dấu hiệu “bảo kê” máy gặt, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá.
Đơn cử, tại xã Trung Lộc (H. Can Lộc) có gần 302 ha lúa Xuân đang vào vụ thu hoạch. Ngoài 4 máy gặt của người dân trên địa bàn, các thôn đang liên hệ thêm 8 máy gặt từ địa phương khác về thu hoạch lúa cho người dân. Việc có nhiều máy gặt hoạt động cùng lúc góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, nhưng cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất ANTT do sự tranh giành địa bàn, nâng giá gặt lúa giữa các chủ máy.
Ông Nguyễn Văn Đại- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc, cho hay: Nhằm đảm bảo ANTT, tránh những hành vi vi phạm trong việc thuê máy gặt lúa, chính quyền xã Trung Lộc đã có thông báo quy định cụ thể về giá gặt lúa: tại chân ruộng là 130.000 đồng/sào; với diện tích bị đổ ngã, sình lầy, giá có thể cao hơn nhưng cũng chỉ dao động trong mức 140.000 - 150.000 đồng/sào. Ngoài việc giao các thôn khi đưa máy về phải đăng ký qua xã để có phương án phân bổ, tránh tình trạng tranh giành địa bàn và thống nhất mức giá, xã Trung Lộc yêu cầu Công an xã quản lý chặt việc đăng ký quản lý cư trú về lưu trú và tạm trú đối với chủ máy gặt trên địa bàn theo quy định. Xã cũng cắt cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý với các hành vi gây mất ANTT như bảo kê, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá trong mùa gặt.
Các địa phương ở Hà Tĩnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa Xuân. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) Trần Mạnh Sơn, nhằm chủ động công tác thu hoạch lúa vụ Xuân, triển khai đề án sản xuất Hè thu, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn mời tổ trưởng tổ hợp tác, chủ hộ có máy gặt làm việc để thỏa thuận, thống nhất mức giá gặt lúa tại địa phương quản lý và phân chia khu vực gặt nhằm đảm bảo tiến độ nhanh nhất. Các địa phương thông báo rộng rãi cho người dân được biết định mức giá gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ chức, cá nhân có máy gặt để thực hiện. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng ép giá và chậm trễ trong việc thu hoạch lúa. Địa phương nào để xảy ra tình trạng ép giá, “bảo kê” giữ ruộng làm chậm tiến độ thu hoạch, chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Trong khi đó, tại H. Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), địa phương đã từng xảy ra tình trạng lộn xộn, gây mất ANTT trong mùa gặt những năm trước, việc triển khai các biện pháp tổ chức thu hoạch lúa Xuân hợp lý, tránh tình trạng tranh giành, bảo kê địa bàn gặt lúa cũng được huyện này tập trung thực hiện. Thời điểm này, Công an huyện Cẩm Xuyên yêu cầu công an các xã, thị trấn thống kê, quản lý danh sách các chủ máy gặt đập liên hợp và chủ máy là người địa phương khác đến đăng ký gặt lúa trên địa bàn; thực hiện tốt việc tổ chức, phân vùng cho các chủ máy gặt lúa theo đúng quy định và tổ chức ký cam kết chủ máy gặt thực hiện tốt việc công khai giá gặt lúa, chấp hành nghiêm quy định của địa phương về việc bảo đảm ANTT trong thu hoạch lúa. Người dân khi phát hiện nạn bảo kê, nâng giá máy gặt cần tố giác đến chính quyền và công an.
Việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá hoặc cố tình kéo dài thời gian thu hoạch của các chủ máy gặt đang được các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo nhằm đảm bảo ANTT trong vụ thu hoạch lúa Xuân.
Tác giả: H.T
Nguồn tin: cadn.com.vn