Dự án đầu tư

Quy mô dự án Formosa Hà Tĩnh lớn đến đâu?

Quy mô dự án Formosa

Để có một siêu dự án với cái danh nhà máy thép dây chuyền sản xuất khép kín và cảng nước sâu lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã “cho” nhà đầu tư quá nhiều.

Nằm ở vị trí đắc địa, bắt đầu khởi công tháng 7/2008 Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư  có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ riêng Hà Tĩnh mà còn các tỉnh lân cận.

Để phục vụ siêu dự án, Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, với gần 3.000 hộ thuộc 9 xã vùng Nam Kỳ Anh, 58 nhà thờ, gần 15.000 ngôi mộ phải di dời để giải phóng mặt bằng. Riêng xã Kỳ Lợi gần như bị xóa trắng để dành đất cho dự án.

Một góc công trường thi công xây dựng dự án Formosa

Tổng diện tích thực hiện dự án Formosa hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Đây có thể nói giá thuê đất quá thấp và ưu đãi của Việt Nam, gần như bằng không.

Mục tiêu của dự án xây dựng nhà máy thép với dây chuyền sản xuất khép kín và cảng nước sâu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất 22 triệu tấn thép/năm, 1500 MW nhiệt điện. Theo cam kết của Tập đoàn Formosa, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đầu tư 7,9 tỷ USD, với công suất hơn 7,5 triệu tấn gang thép mỗi năm và năng lực bốc dỡ hàng hóa qua cảng Sơn Dương 30 triệu tấn/năm.

Mới đây, Tập đoàn Formosa đề xuất đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất của khu liên hợp gang thép này lên 22,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư lên đến 28 tỷ USD.

Hiện, công trường Formosa đang thu hút gần 7.000 chuyên gia, cán bộ, công nhân cả Việt Nam và nước ngoài vào làm việc. Tập đoàn Formosa đã giải ngân hơn 2 tỷ USD cho dự án này.

Bên cạnh đó, Formosa đã khởi công xây dựng lò cao, hạng mục công trình trọng yếu của nhà máy luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh. Chủ đầu tư cam kết sẽ huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 sẽ sẽ hoàn thành 3 lò cao với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm, có 13 cầu cảng đi vào hoạt động và năm 2017 sẽ hoàn chỉnh 32 cầu cảng, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất khẩu thành phẩm của nhà máy gang thép này.

Ưu đãi “khủng”

Khi vào Việt Nam, chủ đầu tư dự án Formosa nhận được nhiều ưu đãi chưa từng có như miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thế (thông thường là 25%), 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Thậm chí để đảm bảo ổn định đầu tư, tại khoản 7, Điều 4, Hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 quy định “đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; Đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Như vậy, dự án không bị chi phối bởi Điều 38, Luật Đất đai 2003.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã “cho” quá nhiều để thu hút được một dự án đầu tư lớn. Trong bài toán đầu tư này, Việt Nam mất nhiều hơn được nhất là trong hoàn cảnh ngành sắt thép đang dư thừa, doanh nghiệp thép trong nước gặp khó khăn như hiện nay.

Ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, ngành thép Việt Nam đang nằm trong thế trận cạnh tranh sống còn. Nguy cơ bị thôn tính rất cao.

VSA cho biết, lượng thép tiêu thụ tháng 4/2014 chỉ đạt 443.600 tấn, giảm gần 15% so với tháng trước. Lượng thép tồn kho hơn 255.000 tấn. Nhiều nhà máy vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất. Trong khi đó với một dự án sản xuất thép với nhiều ưu đãi như Formosa đang vô tình đặt doanh nghiệp nội vào thế cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà.

Lời giải cho bài toán giảm phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài chưa xong, với sắt thép một ngành chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa. Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào nhà đầu tư nước ngoài thì tiến trình công nghiệp hóa sẽ bị phụ thuộc.

>> Thận trọng với đề xuất thành lập đặc khu kinh tế của Formosa

Minh Hồng (Tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP