Người biểu tình xuống đường ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 24-9 - Ảnh: REUTERS |
"Cuộc bỏ phiếu đã thông qua việc hoãn sửa đổi Hiến pháp đến tháng 11", nghị sĩ Thái Lan Chinnaworn Boonyakiat cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, quyết định này đã chọc giận những nghị sĩ phe đối lập và người biểu tình. Hơn 1.000 người đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thái Lan để thể hiện yêu cầu sửa đổi Hiến pháp của họ.
Người biểu tình cũng đòi hỏi bãi chức Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Phong trào biểu tình này đã diễn ra mỗi ngày trong hơn 2 tháng qua.
Phía biểu tình cho rằng Hiến pháp Thái Lan hiện tại được soạn thảo để giúp ông Prayuth bảo vệ quyền lực sau cuộc bầu cử năm ngoái. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố cuộc bầu cử hoàn toàn công bằng.
Ông Wiroj Lakkhanaadisorn, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập Move Forward, chỉ trích quyết định trên được đưa ra nhằm "lừa dối người dân".
"Nếu quá trình này bị trì hoãn khoảng 1 tháng để thành lập ủy ban, và nếu việc tiến hành vẫn bị bác bỏ lúc ấy, điều đó đồng nghĩa rằng các thành viên của Quốc hội không thể đề xuất việc này lần nữa cho đến năm sau", ông Lakkhanaadisorn viết trên Twitter.
Ông Siraphop Attohi, một trong những người biểu tình, cũng cho rằng đây là "một trò câu thời gian" và họ "không thể chấp nhận điều đó".
Các cuộc biểu tình là thách thức lớn nhất đối với quân đội và Chính phủ Thái Lan kể từ khi ông Prayuth nhậm chức sau cuộc đảo chính năm 2014.
Trong đợt biểu tình lớn nhất tại Thái Lan, hàng chục ngàn người đã đổ xuống đường vào cuối tuần.
Một số người biểu tình cho biết Hiến pháp Thái Lan trao quá nhiều quyền lực cho Vua Maha Vajiralongkorn.
Phía biểu tình cũng nói họ muốn mức ảnh hưởng của ông phải giảm xuống. Đây là tuyên bố thách thức điều cấm kỵ không được chỉ trích hoàng gia của Thái Lan lâu nay.
Tác giả: NGUYÊN HẠNH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ