Thế giới

Biểu tình ở Thái Lan kêu gọi chính phủ từ chức, lớn nhất kể từ sau đảo chính 2014

"Khi màn đêm buông xuống tại tượng đài Dân chủ ở Bangkok, số người biểu tình do sinh viên dẫn đầu nhằm kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức đã vượt 10.000", báo Bangkok Post đưa tin tối 16-8.

Người biểu tình Thái Lan yêu cầu chính phủ từ chức, giải tán quốc hội và tổ chức một cuộc bầu cử mới theo hiến pháp được sửa đổi - Ảnh: REUTERS

Hôm qua 16-8, hơn 10.000 người Thái Lan đã xuống đường phố Bangkok hô to khẩu hiệu "đất nước này thuộc về nhân dân" khi họ tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ cuộc đảo chính vào năm 2014, theo Hãng tin Reuters.

Người biểu tình đã kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, có một bản hiến pháp mới để tổ chức các cuộc bầu cử mới và thậm chí kêu gọi cải cách chế độ quân chủ - một điều vốn cấm kỵ do đụng chạm tới hoàng gia Thái Lan.

Các nhóm do sinh viên dẫn đầu đã tổ chức biểu tình gần như mỗi ngày trong tháng qua. Tuy nhiên, cuộc biểu tình hôm 16-8 đã thu hút sự tham gia đông đảo hơn.

Họ đổ về các khu vực xung quanh tượng đài Dân chủ ở Bangkok, công trình được xây dựng để đánh dấu cuộc cách mạng năm 1932 dẫn tới kết thúc nền quân chủ chuyên chế và chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến ở Thái Lan.

Cảnh sát đã phong tỏa các con đường lớn để ngăn phương tiện giao thông đi vào khu vực có người biểu tình. Một quan chức tại Cục cảnh sát Bangkok nói với Hãng tin AFP rằng đám đông tham gia biểu tình đã lên tới 10.000 người lúc 18h hôm 16-8.

Còn báo Bangkok Post cũng dẫn thông tin từ Cục cảnh sát Bangkok cho biết đám đông tăng lên 12.000 người lúc 19h cùng ngày. Trong khi đó, các nhóm tổ chức biểu tình tuyên bố hơn 20.000 người đã tham gia.

Người biểu tình dùng đèn điện thoại để thắp sáng khi xuất hiện tại tượng đài Dân chủ ở Bangkok - Ảnh chụp màn hình Bangkok Post

Theo Hãng tin Reuters, trong số các yêu cầu của người biểu tình có 3 yêu cầu chính: chính phủ của Thủ tướng Prayuth từ chức, có một hiến pháp mới và chấm dứt các hoạt động gây bất lợi nhắm vào những thành phần phản đối.

"Chúng tôi muốn có một hiến pháp mới thật sự dân chủ, dẫn tới một cuộc bầu cử dân chủ và chúng tôi muốn có một thủ tướng được bầu cử một cách dân chủ", một người biểu tình có tên Wasana Wongsurawat nói.

Một số nhóm sinh viên cũng đề xuất 10 cải cách cho chế độ quân chủ của vua Maha Vajiralongkorn, bao gồm việc hạn chế các quyền lực của ông đối với hiến pháp, tài sản của hoàng gia và các lực lượng vũ trang.

"Chúng tôi muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới và một quốc hội mới từ người dân. Cuối cùng, ước mơ của chúng tôi là có một chế độ quân chủ thật sự nằm dưới hiến pháp", sinh viên Patsalawalee Tanakitwiboonpon, 24 tuổi, hô to trước đám đông.

Đáp lại, chính phủ Thái Lan cho biết người dân được phép bày tỏ sự bất đồng quan điểm, còn Thủ tướng Prayuth nói rằng ông đang theo đuổi đối thoại với người biểu tình, theo Hãng tin Reuters.

Ông Prayuth cho biết nhà vua Thái Lan đã yêu cầu ông lúc này chưa sử dụng luật xét xử lese-majeste (tội khi quân), theo đó bất kỳ ai xúc phạm nhà vua và một số thành viên hoàng gia có thể bị bỏ tù lên tới 15 năm. Trong khi đó, người biểu tình cho biết vẫn sẽ tiếp tục xuống đường cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng.

Tác giả: BÌNH AN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP