Theo đó, hang động có vị trí nằm ở giữa hang Én đến đoạn cửa chính của Sơn Đoòng. Đó là hang động lớn hơn và cao hơn Sơn Đoòng, nhưng không may nó đã bị đổ sụp trước khi con người chứng kiến do các trận lũ bào mòn vách hang. Các chuyên gia Anh và Mỹ đã dày công khám phá vết tích hang động này và kết luận từ hang Én đến Sơn Đoòng có một hang động dài 2km. Dấu tích của nó để lại là các gãy đổ của đá vôi khổng lồ, kèm theo vết tích của vô vàn thạch nhũ lộ thiên đã bị rêu hoá và gãy đổ dọc 2km dẫn đến Sơn Đoòng. Những mẫu đá cổ, thạch nhũ gãy đổ này đã được đưa sang Mỹ phân tích và các nhà khoa học xác định chúng gãy đổ từ cách đây khoảng 370.000 năm đến gần 2 triệu năm.
Theo ông Howard Limbert, nếu đoạn hang này còn tồn tại, nó có chiều dài 2km, to lớn hơn Sơn Đoòng nhiều lần, bởi ở đoạn hang này, theo mô phỏng của vi tính, nó là nơi nước lũ hoạt động mạnh, bào mòn lớn, tạo lỗ rỗng khổng lồ. Các nhà khoa học của Anh, Mỹ xác nhận, chính nước tạo ra hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng cũng chính nước tạo lũ và làm sập kỳ quan hang động lớn hơn cả Sơn Đoòng. Hiện để chiêm ngưỡng nó, mới chỉ qua mô hình của các nhà khoa học, công chúng còn phải chờ đợi một mô hình 3D hoàn hảo hơn trong thời gian tới.
Cùng ngày, ông Howard Limbert đã có báo cáo khoa học về việc phát hiện hang động mới ở Phong Nha – Kẻ Bàng tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”, theo đó, đã phát hiện mười hang động thẳng đứng; chúng có độ sâu từ 97 – 355m, trong đó, kỳ vĩ nhất là hang thẳng đứng Vực Tặng, khi đến độ sâu 323m đã có một đường hang dài 3,4km nằm dưới mực nước biển. Đoàn thám hiểm dự báo còn một số ngách hang kéo dài hơn nữa, nhưng kỹ thuật dây thừng đưa theo không đủ để thám hiểm thêm nên phải dừng lại ở đó.
Cũng tại hội thảo này, các nhà khoa học chính thức công nhận hố sụt trong động Sơn Đoòng sâu nhất châu Á với độ sâu 450m. Tại hai hố sụt của Sơn Đoòng, hơn 200 loài thực vật được tìm thấy và được xem là kỷ lục mới về số loài vật sống trong hang động, bao gồm có cả loài thân gỗ cao đến hơn 30m.
Quốc Nam
SGTT