Tin Hà Tĩnh

Quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung ở Hà Tĩnh: Bù lỗ vẫn phải làm

Bán nước ở thành thị lời - lỗ dễ hạch toán, nhưng bán nước ở các vùng nông thôn đại đa số là lỗ vốn chứ chẳng mong có lãi.

Những công trình CNTT huyện Lộc Hà đã “giải khát” cho hàng nghìn hộ dân các xã ven biển

Chính vì lý do đó mà dăm năm trở về nước hầu hết công trình cấp nước tập trung ở Hà Tĩnh rơi vào cảnh “đắp chiếu” trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh chưa bao giờ hết “nóng”.

Năm 2010, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH-VSMT) Hà Tĩnh đầu tư gần 9 tỷ đồng xây dựng công trình cấp nước tập trung (CNTT) với công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu sử dụng nước của 900 hộ dân xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc. Sau lễ khánh thành, công trình được bàn giao cho UBND xã Khánh Lộc quản lý, vận hành.

Khi đón những giọt nước hợp vệ sinh đầu tiên về sử dụng, người dân nơi đây phấn khởi ra mặt. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, công trình vận hành một thời gian ngắn thì rơi vào tình trạng “đắp chiếu”, nước lúc có lúc không; chất lượng nước không đảm bảo.

Mặc dù sau đó chủ đầu tư nhiều lần sửa chữa, tuy nhiên hạn chế không những không được khắc phục mà còn kéo dài nhiều năm liền khiến người dân mất niềm tin. Đến năm 2016, công trình được bàn giao lại cho Trung tâm trực tiếp quản lý, vận hành thì dự án mới thực sự phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Hồng Quang, GĐ Trung tâm NSH-VSMT nông thôn Hà Tĩnh nói: “Hiện tại 6 công trình CNTT chúng tôi quản lý đều hoạt động đạt và vượt công suất thiết kế. Minh chứng cụ thể là công trình cấp nước xã Khánh Lộc. Sau khi đầu tư 6,4 tỷ đồng sửa chữa lại thì hơn 3 năm nay hoạt động cực kỳ tốt. Bình quân mỗi tháng cấp từ 9.000 - 10.000m3 nước cho hơn 1.200 hộ dân trên địa bàn xã (trước xã Khánh Lộc vận hành chỉ cấp được 2.000 - 3.000m3 nước/tháng cho 600 hộ dân).

Tiếp đến là công trình CNTT huyện Lộc Hà. Công trình này thiết kế cấp nước cho 3 xã ven biển Thạch Bằng, Thạch Kim và Thịnh Lộc với công suất 4.000m3 nước/ngày đêm nhưng bây giờ có những ngày vận hành vượt công suất (đạt 4.200 m3/ngày đêm), nâng sản lượng nước cấp cho người dân bình quân đạt 72.000 - 75.000 m3/tháng”.

3 năm nay Trung tâm quy định mỗi tuần phải lấy mẫu kiểm tra kiểm tra chất lượng nước một lần

Theo ông Quang, sở dĩ mấy năm gần đây các công trình CNTT cơ bản phát huy tốt hiệu quả là nhờ Trung tâm xây dựng được quy trình vận hành phù hợp từng công trình cụ thể; hàng ngày xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cấp nước cho từng cá nhân; theo dõi thông qua nhật ký ghi chỉ số nước tiêu thụ hàng ngày; mỗi tuần kiểm tra chất lượng nước một lần, khi có sự cố hư hỏng kịp thời sửa chữa, đảm bảo việc cấp nước không bị gián đoạn.

“Tuy nhiên, cũng phải nói rằng việc quản lý, khai thác công trình CNTT ở khu vực nông thôn phức tạp hơn nhiều so với thành phố. Ví dụ như ở thành phố, 20m đặt được một cái đồng hồ nhưng khu vực nông thôn dân cư thưa thớt nên phải hơn 200m mới đặt được một cái. Tóm lại chi phí đầu tư xây dựng công trình ở nông thôn cao hơn hoặc ngang bằng thành phố nhưng giá bán nước lại thấp hơn rất nhiều nên hầu như công trình CNTT nào ở nông thôn cũng phải bù lỗ”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho biết, dù lỗ nhưng Trung tâm vẫn phải làm tròn nhiệm vụ vì nhu cầu dùng nước hợp vệ sinh của người dân lúc nào cũng bức thiết trong khi ngân sách eo hẹp nên chưa có điều kiện phục vụ hết nhu cầu mà thôi.

Hiện Trung tâm NSH-VSMT nông thôn Hà Tĩnh đang tiếp tục đầu tư gần 17 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 2 công trình CNTT xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà và Tân Lộc, huyện Can Lộc. Nguồn nước ngầm tại 2 địa phương này đều bị nhiễm phèn nặng, nhiều năm liền người dân phải sử dụng nước mưa, thậm chí đi mua nước sạch ở các vùng khác để về sinh hoạt.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP