TP Hà Tĩnh

Phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh: Đền bù không công bằng, thiếu dân chủ

Cùng ở chung tuyến đường 26/3, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, các hộ dân được cấp đất, định cư cùng thời điểm, có hộ được đền bù hàng tỉ đồng, một số hộ không được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.

Bức xúc, nhiều hộ dân ở phường Đại Nài gửi đơn khiếu nại đến Ban Đền bù giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Hà Tĩnh đòi công bằng, dân chủ. Họ cần có cuộc đối thoại với các cấp chính quyền để làm rõ những vấn đề liên quan chưa được giải quyết…


Ông Nguyễn Như Xanh, đại diện năm hộ dân khối phố 5, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh khiếu nại Hội đồng Bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng TP Hà Tĩnh và xã Đại Nài không kiểm tra chính xác, đền bù thiếu khách quan, mất công bằng: 25 lô đất Xí nghiệp Chế biến gỗ thị xã cấp từ năm 1990, có 10 lô ở mặt đường 26/3, 3 lô không có nhà, 7 lô có nhà từ năm 1974, trong đó, lô số 17 mang tên ông Trần Xuân Phúc, nay em trai Trần Xuân Vinh sử dụng. Còn một gian nhà phía ngoài đường 26/3, nằm ngoài vùng quy hoạch, ông Lê Văn Hạnh, Giám đốc Xí nghiệp bán cho công nhân đập lấy gạch. Gian nhà này đã tồn tại và chuyển nhượng qua nhiều chủ, hiện nay là của bà Phan Thị Linh. Từ đó nảy sinh hai quyết định (của bà Phan Thị Linh và ông Trần Xuân Vinh) cấp chồng lên nhau. Sau khi phát hiện không có tên trong danh sách đền bù, ông Vinh đến gặp lãnh đạo UBND phường Đại Nài. Ngày 13/9/2012 các hộ nhận được danh sách chi trả tiền đền bù thấy không có hộ ông Vinh và bà Linh. Ngày 29/10/2012 hai hộ này đến UBND thành phố nhận tiền đền bù (ông Vinh nhận 370 triệu đồng, bà Linh nhận 780 triệu đồng). Ngoài ra, công tác chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng trên tuyến đường 26/3 còn nhiều bất cập, sai chính sách.


Cho rằng cách trả lời của UBND thành phố Hà Tĩnh, chỉ giới quy hoạch đường 35m, cách tim đường 17,5m là hành lang đường và thuộc quyền quản lí của Nhà nước là đúng. Có chăng, lô đất số 17 có lí do gì khác, hay có cách làm mới, nên chính quyền thời ấy cấp GCNQSDĐ cho bà Phan Thị Linh không cần qua địa chính phường xã theo luật định? Chúng tôi yêu cầu xem hồ sơ giải tỏa mặt bằng năm 1996, nhưng chính quyền không cung cấp… Năm 1996, UBND thị xã Hà Tĩnh có đợt mở rộng đường 14m, các hộ cũng được đền bù cây cối và tài sản. Năm 2006, giải tỏa lần hai các hộ dọc tuyến tháo dỡ, dời dọn, nhưng không được đền bù, còn nợ của dân, nay mở đường không đền bù là sai.


Bà Nguyễn Thị Xanh khiếu nại: Tài sản nhà cửa và đất của tôi đều nằm trên hành lang đường 26/3 như hộ bà Phan Thị Linh và ông Trần Xuân Vinh. Tại sao hai hộ trên được kiểm đếm đền bù, tái định cư mà gia đình tôi không được? Ngày 22/6/1990, các hộ gia đình chúng tôi được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh ra quyết định số 1339/QĐ-UB: “Cho phép hợp pháp hóa đất ở trên khu đất UBND tỉnh giao cho đơn vị tại quyết định số 1375 ngày 31/8/1973. Các hộ được sử dụng đất ở gắn liền với nhà ở do Xí nghiệp Chế biến gỗ thị xã và UBND thị xã cho phép được hưởng các quyền lợi do pháp luật quy định”. Hơn 50m2 đất ở của tôi không được đền bù là không đúng với quyết định của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và trái Luật Đất đai năm 2003.


Theo Luật Đất đai năm 2003, tại Chương III, mục 3, Điều 87: “Xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao. 1. Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư. 2. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành trước ngày 18/12/1980 thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở”. Để công bằng, khách quan, yêu cầu UBND thành phố Hà Tĩnh có phương hướng giải quyết dứt điểm, giảm khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ dân, vừa bảo đảm tiến độ thi công công trình.


Trần Đông

Người Cao Tuổi

  Từ khóa: không công bằng , đền bù

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP