Vụ án kéo dài 8 năm với 12 phiên tòa mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng, khiến cho mẹ thằng bé mỏi mòn uất ức, còn thằng bé thì hồn nhiên lớn lên trong sự tội nghiệp của những người chứng kiến. Bạn đọc nói gì về tình cảnh của thằng bé?
“Quá quan liêu. Một vụ án cỏn con thế này mà còn không làm xong trong 8 năm thì đúng là phí tiền của Nhà nước trả lương cho mấy vị quan tòa. Các vị nên dành thời gian để mà xử những kẻ có tội ác dã man hơn là cố gắng buộc tội một người đàn bà tốt. Dù có thể theo những điều luật chị ta có tội nhưng cuộc sống phải có lý và tình, hơn là mất thời gian vào những vụ án vô bổ” – là ý kiến của bạn Quân Lê (quanle…@gmail.com)
Gay gắt hơn, bạn Lệ Thanh (elangviet@…com) viết: “ Theo tôi thấy nên xử lý thật nặng ông thư ký tòa án trước, vì làm mất chứng cứ, sau đó xử lý thẩm phán xét xử vì không nắm luật, 8 năm xử 1 vụ đơn giản không xong, thế thì ông nhận lương nhà nước làm gì? Thậm chí xử cả ông viện Kiểm sát, với câu hỏi này của đại diện viện kiểm sát “Bị cáo không trộm cắp, sao lùa dê ban đêm?”. Bộ ai lùa dê, lùa gà… vào ban đêm cũng là phường trộm cắp à?”.
Với góc nhìn của người dân đang sống ở Đức, bạn đọc Nguyễn Hoàng Hải (nguyen_hoanghai@ … de) phân tích: Đọc bài báo tôi thấy có nhiều điều cần nói. Thứ nhất tôi đề xuất với ngành Tòa án, mà chả riêng với tòa, mà tới tất cả các công sở tiếp dân nên có phòng riêng, chí ít có một góc có đồ chơi cho con trẻ. Quan tâm tới trẻ chính là quan tâm tới tương lai!
Thứ hai, tôi xếp vụ án này thuộc loại đơn giản, tuy nhiên những gì đang xẩy ra ở tòa với những thiếu sót cơ bản của viện Kiểm sát thì rõ ràng cơ quan tố tụng đã do lỗi bản thân gây thiệt hại cho dân. Con số 8 năm với một vụ án đơn giản là rất lớn.
Ở Đức tôi biết, kể từ 3.12.2011 theo tinh thần phán quyết Tòa án bảo vệ quyền con người châu Âu thì Tòa án loại gì của Đức cũng không được để kéo dài (vụ án đơn giản phải xử lý trong vòng 1 năm). Bộ Tư pháp Đức trên trang web của mình cũng hướng dẫn người dân có quyền khiếu nại, và có quyền đòi đền bù! Nếu Việt Nam là Đức thì tòa, đặc biệt là viện Kiểm sát chắc chắn sẽ đền mệt mỏi cho chị Nguyệt nếu bị bắt đền. Riêng khoản chứng cứ không còn tôi cũng thấy kỳ lạ. Ở nước ngoài như Đức: thư ký chỉ viết biên bản, chứ không được phép làm gì động đến hồ sơ. Vậy mà ta lại khác người ở chỗ, thư ký có quyền “…lập biên bản trao các giấy tờ nhà đất là chứng cứ của vụ án”.
Tôi tin ở nước ngoài người thư ký vi phạm như vậy là chuyện tầy đình, vì vụ án thì phải dựa trên chứng cứ, còn giả định mất hết chứng cứ thì phải “dẹp tiệm” – đình chỉ phiên tòa và phải đền bù đầy đủ cho bị cáo! Mà quái lạ, khi chưa xác định được chủ nhân của những chú dê, mà lại xác định chị Nguyệt là kẻ trộm, vậy là trộm của ai? Mà đã xảy ra nhiều chuyện ầm ĩ, ghê gớm như bắt giam, hỏi cung nghi phạm, truy tố bị can, nay thành bị cáo, bị xét xử trước tòa đến phiên thứ 12?
SGTT