Chuyện khó tin

Phẫu thuật cho bé gái 3 tuổi có tinh hoàn

Khi bé được 5 tháng tuổi, gia đình phát hiện thấy “chỗ ấy” là lạ, gia đình đưa đến bệnh viện khám mới biết con mình là trai.

Sáng 24/6, bệnh viện Nhi trung ương đã phẫu thuật “sửa” lại giới tính cho bé N.K.H. (3 tuổi, ở Hà Nội).


Theo chị L.T.T. (mẹ bé H.), khi mới sinh, cháu H. được khai sinh là giới tính nữ. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, chị T. nhận thấy con mình không bình thường ở cơ quan sinh dục bên ngoài nên đã đưa cháu đến khám ở BV Nhi trung ương.


Kết quả khám và siêu âm cho thấy cơ quan sinh dục ngoài của bé H. có tinh hoàn ẩn. Bên trong không có tuyến nội tiết nữ, hơn nữa bé cũng không có cơ quan sinh sản nữ là buồng trứng, tử cung. Kết quả xét nghiêm gen cho thấy bé H. mang gien XY46 – gen khẳng định giới tính nam.


Theo mẹ bé H., càng lớn tính cách, vóc dáng của con càng thiên về con trai, thế nhưng cháu vẫn phải đái ngồi như con gái. “Ngoại trừ một số người thân quen, còn hàng xóm vẫn nghĩ bé H. là gái. Vợ chồng tôi sợ sau này con lớn lên đi học sẽ bị mặc cảm với bạn bè nên quyết tâm cho cháu được điều trị để phát triển đúng giới tính thật là con trai. Phẫu thuật xong gia đình sẽ làm lại khai sinh cho cháu”, chị T. tâm sự.

Bé N.K.H. trước khi phẫu thuật.


Theo bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu (BV Nhi trung ương), bản chất của bé H. là nam và có cơ quan sinh dục ngoài của trẻ trai nhưng bị vùi lấp do “chỗ ấy” phát triển không bình thường.


“Thăm khám bộ phận sinh dục thì thấy ở giữa là dương vật, hai bên có hai tinh hoàn nhưng nhìn ngoài như hai môi lớn của bộ phận sinh dục nữ. Nếu như khép lại thì rất khó xác định. Một bất thường nữa là là cháu bé vừa có lỗ niệu đạo và có cả âm đạo nên việc chữa cho cháu tương đối phức tạp” – bác sĩ Dũng nói.


Sau gần 2 tiếng phẫu thuật các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt phần âm đạo cụt (vì không thông với tử cung) cho cháu bé để tránh tình trạng ứ đọng nước tiểu ở âm đạo gây viêm nhiễm. Đồng thời, hai tinh hoàn ẩn được bóc tách đưa về đúng vị trí bình thường và cố định đảm bảo có thể phát triển tốt nhất.


Tuy nhiên theo bác sĩ Dũng, để cháu có bộ phận sinh dục ngoài giống như một bé trai bình thường, bé H. sẽ phải trải qua 2 lần phẫu thuật “sửa” dương vật thẳng (khi sinh ra dương vật bị cong gập, đẩy xuống thấp), cùng đó đưa lỗ niệu đạo về đỉnh của dương vật để bé có thể “tè” đứng.


Cũng theo bác sĩ Dũng, những năm gần đây, số trẻ bị rối loạn về giới tính được khám và điều trị khá nhiều. Tuy nhiên, do trước đó chưa có những quy định về việc công nhận để trường hợp này được sửa đổi tên họ theo đúng giới tính nên các gia đình cũng gặp không ít khó khăn.


Theo Người Lao Động

  Từ khóa: giới tính , Tinh hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP