Nổi bật Hà Tĩnh

Phát triển thủy điện ở Hà Tĩnh: Cảnh tỉnh từ “thảm họa”

 

Thủy điện và môi trường đang là vấn đề “nóng” được cả xã hội quan tâm và lo ngại, nhất là trước diễn biến của lũ lụt ngày một khốc liệt và khó lường trên rẻo đất “dằng dặc miền Trung” trong vài năm gần đây, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh.

Vậy việc phát triển các công trình thủy điện vừa và nhỏ có phải là một trong những nguyên nhân làm gia tăng lũ lụt trên vùng đất khó này hay không? Để giải đáp một phần câu hỏi này, trung tuần tháng 11 vừa qua, chúng tôi đã về Hà Tĩnh, tìm hiểu về công tác giám sát hậu đánh giá tác động môi trường và quản lý vận hành hồ chứa thủy điện tại đây.
Cảnh tỉnh từ “thảm họa” 
So với các tỉnh miền Trung, Hà Tĩnh vẫn nằm trong số các địa phương có ít các dự án thủy điện nhất. Nhưng lại là điểm “nóng” kể từ khi xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Hương Sơn và Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Đặc biệt là sau sự cố trận “đại hồng thủy” xảy ra tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô vào tháng 10/2010, buộc gần 20.000 dân vùng hạ du phải sơ tán khẩn cấp. Đây chính là sự cảnh tỉnh cho các địa phương nói chung và Hà Tĩnh nói riêng trong tiến trình phát triển thủy điện tràn lan trong những năm qua, không phải đem lại “nhiều lợi ích” như các nhà đầu tư quảng bá.
Đúng vào đỉnh điểm của trận lũ lịch sử đang hoàng hành tại các tỉnh nam miền Trung, chúng tôi tìm đến Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh. Đề cập về vấn đề quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn, anh Thái Hoàng Nhất, chuyên viên Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương khẳng định: Cho đến thời điểm này Hà Tĩnh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển thủy điện, bởi đây là công việc “tốn kém” nên chỉ tiến hành quy hoạch từng dự án mà thôi.
Theo đó, cả tỉnh có 12 công trình dự án thủy điện đã được quy hoạch, có 3 công trình đã xây dựng xong là Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, Nhà máy Thủy điện Hố Hô và Nhà máy Thủy điện Kẻ Gỗ. Riêng Nhà máy Thủy điện Hố Hô sau sự cố lũ lụt tháng 10/2010 hiện vẫn chưa được đưa vào vận hành khai thác. Có lẽ cũng một phần do “thảm họa” mà Nhà máy này suýt nữa gây ra nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét, đánh giá khách quan và toàn diện hơn đối với việc phát triển thủy điện trên địa bàn. Nên ngày 15/8/2013, tỉnh đã ra Công văn số 2910 về rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các dự án thủy điện gửi Bộ Công Thương, đề nghị đưa dự án Thủy điện Trại Hội và dự án Thủy điện Đá Mồng ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc. Lý do vì 2 dự án này tính khả thi không cao, vùng ảnh hưởng lớn và diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều.
Xuất phát từ những kiến nghị của chính quyền cơ sở, cùng với việc nhà đầu tư chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND Hà Tĩnh cũng tạm dừng việc nghiên cứu và chưa có kế hoạch triển khai dự án Thủy điện Giao An I và Giao An II (gồm Giao An IIA, IIB). Còn dự án Thủy điện Sông Rác do công suất lắp máy nhỏ (chỉ vẻn vẹn 1 MW), nguồn nước dùng phụ thuộc vào sự cấp nước tưới cho nông nghiệp nên vẫn chưa có nhà đầu tư. Riêng dự án Thủy điện Đá Hàn công suất lắp máy tối đa 3 MW, hiện đang triển khai việc chuyển đổi chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cẩn trọng hơn khi xem xét, đánh giá các biện pháp bảo vệ an toàn công trình và vùng hạ lưu có các công trình thủy điện.
Minh chứng thuyết phục là mặc dù Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã hoàn thành công tác khắc phục sự cố do lũ lụt (tháng 10/2010) từ ngày 31/7/2013, nhưng đến ngày 14/11 vừa qua, đoàn công tác liên ngành của tỉnh sau khi lên kiểm tra toàn diện các hạng mục công trình, cũng chỉ mới đề nghị UBND tỉnh cho phép Nhà máy tích nước để chạy thử.
Ông Nguyễn Doãn Lợi, Trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công Thương khẳng định: C ông tác giám sát hậu đánh giá tác động môi trường và quản lý vận hành hồ chứa thủy điện , thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Riêng Sở Công Thương hàng năm đều phê duyệt phương án bảo vệ công trình, các phương án phòng chống thiên tai cho các nhà máy thủy điện hiện có.
Những động thái nêu trên đã chứng tỏ “bầu nhiệt huyết’ phát triển thủy điện vừa và nhỏ của chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã “hạ nhiệt”, nhất là ở cấp xã. Vì “Lợi ích bầy tui nỏ thấy mô, mà lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa lũ từ ngày có nhà máy thủy điện dữ hơn trước. Dân thì kêu than, cán bộ thì căng ra để lo đối phó” – ông Nguyễn Văn Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, huyện Hương Khê than thở khi nói về Thủy điện Hố Hô. Còn hỏi về tác động của Thủy điện Hương Sơn đối với vùng hạ du? ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim I cho rằng: “Làm thủy điện tất yếu phải phá rừng. Mất rừng thì lũ về nhanh hơn. Riêng trận lũ xảy ra ngày 16/10 vừa rồi cả xã có 1 người chết, 3 người bị thương và 466 hộ bị ảnh hưởng. Nên nghe nói sắp tới có thể xây thêm Thủy điện Hương Sơn II, ai nghe cũng nản!”.
Làm việc với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi được biết, qua đánh giá thực tế giữa cái được và cái mất khi phát triển thủy điện vừa và nhỏ, tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất chủ trương trong những năm tới chú trọng phát triển nhiệt điện và các dự án thủy điện-thủy lợi là chính. Những dự án thủy điện nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ xếp cấp xung yếu và rất xung yếu, có tầm quan trọng đối với việc phòng hộ đầu các nguồn sông, là vùng có giá trị đa dạng sinh học cao cần phải xem xét, đánh giá kỹ giữa hiệu quả kinh tế-năng lượng với ảnh hưởng tác động đến môi trường và xã hội.
Công văn số 2910 của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi Bộ Công Thương cũng đã nêu rõ: “Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các bộ tiêu chí phù hợp, để nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng các công trình thủy điện đảm bảo hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; nhất là những dự án nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ xếp cấp xung yếu, rất xung yếu, vùng có giá trị đa dạng sinh học cao…Đồng thời thành lập các đoàn công tác có đủ điều kiện để kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả các dự án thủy điện đã quy hoạch, nhất là những dự án có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái”./.
Văn Hào

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP