|
Cam Vũ Quang dần thành thương hiệu của Hà Tĩnh |
Nhiều năm trước, nói đến cam, người ta thường nhắc đến cam Xã Đoài, Quỳ Hợp (Nghệ An)… Nhưng hiện nay, cam Hà Tĩnh đã tạo được chỗ đứng trên thị trường khi có phần vượt trội so với “người hàng xóm” và dần làm thay đổi thị hiếu người thưởng thức. Dù hầu hết các địa phương ở Hà Tĩnh đều “thử sức” với cam, nhưng loại cây ăn quả này chỉ thực sự nổi bật khi bén duyên với vùng đất Hương Đô (Hương Khê), Thượng Lộc (Can Lộc), Hương Sơn và Vũ Quang.
Thời điểm giữa tháng 10 âm lịch, đa số các vườn cam chanh đã cơ bản cho thu hoạch. Nhưng theo nhận định của nhiều chủ vườn, thời gian này mới chỉ thu hoạch ải. Riêng cam bù phải đến cận kề tết mới hái được.
Khe Mây (Hương Đô) là vùng thu hoạch cam sớm nhất trong toàn tỉnh. Ông Đinh Văn Oánh – người được mệnh danh là “ông tổ” của vùng “cam tiến vua” này chia sẻ: “Tính đến thời điểm này, hầu hết các hộ trồng cam ở Khe Mây đã thu hoạch khoảng 1/3 diện tích, riêng gia đình tôi mới đạt khoảng 3 tạ”.
Theo thông lệ, đến tháng 11 âm lịch hàng năm, Khe Mây mới vào mùa hái quả, nhưng năm nay, do điều kiện thời tiết thay đổi, cam chín sớm hơn. Cam Khe Mây có mức giá khởi điểm tại vườn 45.000 đồng/kg, trong khi đó, tại các chợ, giá bán được nâng lên hơn 50.000 đồng/kg.
Cây cam “bén duyên” trên vùng thượng Can Lộc |
Cam cũng là cây “xóa nghèo, làm giàu” cho nhiều gia đình ở Đức Lĩnh (Vũ Quang) khi toàn xã có hơn 80% hộ trồng trên diện tích 130 ha. Ông Nguyễn Hữu Thọ (thôn Cương Lĩnh) từ lâu được người dân Đức Lĩnh biết đến bởi thương hiệu “cam Mai Thọ” với hơn 1.000 gốc, hàng năm đưa lại nguồn thu từ 150-200 triệu đồng, cho biết: Năm nay, vườn cam của gia đình ông đã thu hoạch xấp xỉ 7 tạ với mức giá 42.000 đồng/kg.
Được biết, tạo được uy tín bởi chất lượng cam sạch, đạt tiêu chuẩn nên vào những ngày cuối mùa, cam của ông Thọ có khi được bán với giá 80.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm 2011 được coi là thời kỳ đỉnh cao khi giá cam lên tới 55.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, thậm chí còn đặt trước cả vườn, đến mùa vào hái đưa ra thị trường tiêu thụ. “Năm 2014, vườn cam của tôi có hơn 300 gốc mới. Nhờ vườn cam này, vợ chồng tôi mới nuôi được các con ăn học” – ông Thọ cho biết.
Thu hoạch cam ở Thượng Lộc (Can Lộc) |
Ở Đức Lĩnh còn ghi nhận tên tuổi của ông Trần Viện với 8.000 gốc chuẩn bị cho thu hoạch trong năm nay, dự kiến, mức thu dao động từ 400-500 triệu đồng. “Trước đây, các gia đình hết sức chật vật tìm hướng cải thiện đời sống. Nay cuộc sống giữa chốn đại ngàn như được thổi luồng gió mới bởi loại cây ăn quả này mang lại lợi ích kinh tế vô cùng lớn. Đặc biệt, khi cam Vũ Quang khẳng định được thương hiệu, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương” – Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh Nguyễn Xuân Thê cho biết.
Một thương hiệu cam của Hà Tĩnh cũng đã vươn đến những thị trường rộng lớn ngoại tỉnh là cam Sơn Mai (Hương Sơn). Với 300 hộ trồng trên diện tích 80 ha, vụ cam 2013, Sơn Mai thắng lớn, nhiều gia đình thu lãi lên đến hàng tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại các xóm Minh Giang, Kim Lĩnh, Tân Hoa, Hội Xuân. Nổi bật trong các gia đình trồng cam tại Sơn Mai là ông Ngô Xuân Linh với 8.000 gốc cam bù và cam chanh. Mỗi năm, vườn cam của ông cho thu hoạch hơn 150 tấn, doanh thu vài tỷ đồng.
Cận kề tháng cuối năm, nhịp sống của người dân tại các vùng trọng điểm cam trở nên hối hả. Những quả cam chín mọng, vàng ươm và nụ cười mãn nguyện của người nông dân báo hiệu một mùa vàng thu hoạch đang về…
(Bài 2): Sớm xây dựng “rào chắn” bảo vệ sản phẩm
Hiện nay, một số sạp trái cây tại chợ và các mối thương lái nhỏ lẻ ven đường “treo biển” cam Khe Mây, Thượng Lộc hay cam Vũ Quang thường rất hút khách. Vậy nhưng, đôi khi trái ngược với lời quảng cáo của các chủ sạp, người thưởng thức lại không cảm nhận được hương vị riêng biệt của đặc sản cam Hà Tĩnh. Thực tế đó khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu những sản phẩm cam trong tỉnh có bị trộn lẫn?
Các thương hiệu có tiếng như cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch giờ đây đã giảm bớt mối lo khi doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong đảm nhận bao tiêu sản phẩm. |
Vàng thau trôi nổi lẫn lộn trên thị trường không chỉ đánh lạc hướng người tiêu dùng mà còn làm đau đầu các cơ quan chủ quản cũng như người cung ứng sản phẩm. Việc trộn cam “chính thống” với các loại kém chất lượng, xuất xứ không rõ ràng đang khiến cho thị trường bị nhiễu loạn. Sở dĩ, việc “cam giả” dễ dàng “đội lốt” “cam thật” một phần xuất phát từ nguyên nhân cam Hà Tĩnh chưa xây dựng được thương hiệu. Mặc dù đã tạo được tiếng vang trong một thời gian dài nhưng chỉ có sản phẩm cam bù xây dựng được thương hiệu, riêng cam chanh mới chỉ được tiêu thụ theo hình thức truyền miệng.
“Với chất lượng và uy tín đã được khẳng định, chúng tôi đang khẩn trương tiến hành xây dựng thương hiệu cho cam để tạo cơ sở phát triển bền vững” – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc (Can Lộc) Nguyễn Viết Chuân cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ (chủ vườn cam Mai Thọ), một quả cam được đánh giá chuẩn, ngoài chất lượng còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn về hình thức. Cam xuất xứ từ Trung Quốc thường có độ bóng rất cao và dính, màu vàng sẫm, loang lổ do sử dụng hóa chất kích thích tạo màu và thường được bán với giá khá mềm. Cam Hà Tĩnh chỉ được thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Chính vì vậy, trước thời điểm đó, người tiêu dùng phải cảnh giác với các loại cam được bày bán và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Ngoài ra, theo một số người có kinh nghiệm, một cách để người mua có thể nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm là: cam Hà Tĩnh thường được các tiểu thương cắt cuống dài từ 8-10 cm, trong khi cam Trung Quốc và cam không rõ nguồn gốc không có đặc điểm này.
Cửa hàng Mitraco food (Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh) chính thức khai trương đã giúp người trồng cam giảm bớt nỗi lo về đầu ra |
Đặc trưng của các sản phẩm cam “khai sinh” trên đất Hà Tĩnh thường có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, mọng nước; nếu để lâu chỉ bị rụng cuống hoặc teo vỏ mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Riêng “cam giả” vẫn giữ được màu sắc đặc trưng do tiêm hóa chất bảo quản. “Hiện nay, chưa có biện pháp nào cụ thể để ngăn chặn tình trạng cam Hà Tĩnh bị các tiểu thương trộn lẫn với các loại cam khác. Chính vì vậy, người mua nên tìm hiểu kỹ các đặc điểm để lựa chọn đúng”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn – Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, nếu xét về chất lượng, cam Hà Tĩnh hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các vùng miền khác. Tuy nhiên, do khâu makerting chưa hoàn thiện nên việc đưa đặc sản trái cây của tỉnh tiếp cận các thị trường lớn vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngày 4/11 vừa qua, cửa hàng Mitraco food (Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh) chính thức khai trương đã giúp người trồng cam giảm bớt nỗi lo về đầu ra. Sự ra đời của cửa hàng được coi là cầu nối thực phẩm sạch và an toàn giữa nhà cung ứng với người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm của Mitraco food đều được tuyển chọn kỹ càng, có nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các sản phẩm cam tại cửa hàng được đóng gói, dán nhãn mác đầy đủ.
Để cam Hà Tĩnh thực sự có vị trí và vươn lên một tầm cao mới, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là hết sức cần thiết. Một thương hiệu đúng nghĩa không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho loại trái cây này, là “rào chắn” bảo vệ sản phẩm trong bối cảnh thật giả lẫn lộn mà còn tăng thêm niềm tin của khách hàng. Chưa kể, thương hiệu sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của các sản phẩm cam và mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh, giúp cam Hà Tĩnh đến được với đông đảo người tiêu dùng.
“Phương án của tỉnh hiện nay đang bình tuyển cây cam chanh đầu dòng để làm nguồn cung cấp giống chất lượng cho toàn tỉnh và dần phát triển thành thương hiệu. Hy vọng rằng, từ hướng đi này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm trong tương lai”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh – Lê Anh Ngọc bày tỏ.
Thùy Dương/ Baohatinh.vn