Chăm sóc sức khỏe

Phát hiện ung thư sau khi đi khám ‘trên bảo dưới không nghe’

Nhận thấy “cậu nhỏ” có vấn đề, ông Nam quyết định đi khám và phát hiện mình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Bệnh nhân Mào Văn Nam (51 tuổi, quê ở Điện Biên) đến khám tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong tình trạng dương vật khó duy trì độ cương cứng.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ đã cho bệnh nhân làm siêu âm hệ tiết niệu – tuyến tiền liệt, xét nghiệm sinh hóa máu, nội tiết tố nam giới và PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt).

Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy người bệnh nghi ngờ có biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt đã xác định ông Nam mắc ung thư tuyến tiền liệt dạng adenoma carcinoma.

Phat hien ung thu sau khi di kham 'tren bao duoi khong nghe' hinh anh 1
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ác tính được chẩn đoán nhiều nhất ở nam giới. Ảnh: Health.

Tuyến tiền liệt là tuyến sinh dục phụ của nam giới. Trên thế giới, căn bệnh này đứng hàng đầu trong số các loại ung thư của đường tiết niệu và xếp thứ hai trong các bệnh ung thư ở nam giới (sau ung thư phổi).

Tại Việt Nam, các số liệu thống kê về căn bệnh tuy chưa đầy đủ, nhưng nhiều tài liệu cho thấy những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ung thư tuyến tiền liệt đứng hàng thứ 35 trong các loại ung thư ở nam giới.

Đến năm 1997, bệnh lý này đứng hàng thứ 8 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới. Trong những năm gần đây, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt có chiều hướng gia tăng.

TS.BS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, cho biết người bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường đi khám vì các rối loạn tiểu tiện. Các bác sĩ sẽ tìm hiểu triệu chứng và có thể phát hiện những dấu hiệu rối loạn tình dục.

Bác sĩ này cho biết trường hợp như bệnh nhân Nam không phải phổ biến. Người đàn ông này đi khám vì rối loạn cương dương, các bác sĩ phải tiến hành kiểm tra cẩn thận và toàn diện mới có thể phát hiện bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt.

Nếu không tìm đúng nguyên nhân gây ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, ông Nam sẽ chỉ được điều trị rối loạn cương dương mà bỏ qua bệnh lý nguy hiểm tính mạng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Hà Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP