Ngày 13/11, thông tin từ Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho biết vừa phát hiện lại một cá thể Saola quý hiếm qua các bẫy ảnh đặt trong khu bảo tồn tại tỉnh Quảng Nam. Saola (Pseudoryx nghetinhensis), một trong những loài thú quý hiếm và hiện đang bị đe doạ tuyệt chủng nhất hành tinh. Saola còn được gọi là kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện sau khi được phát hiện vào năm 1992.
Hình ảnh một cá thể saola đang di chuyển dọc con suối một thung lũng tại khu vực hẻo lánh của dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam được bẫy ảnh đã chụp lại trong tối ngày 7/9 vừa qua
Buổi tối ngày 7/9 vừa qua, bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh một cá thể Saola đang di chuyển dọc con suối một thung lũng tại khu vực hẻo lánh của dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam. “Đây là những bức ảnh chụp loài hoang dã quan trọng nhất của châu Á, có thể là của thế giới trong vòng 10 năm qua” – ông William Robichaud, Điều phối viên Nhóm bảo tồn saola của Ủy ban bảo tồn loài của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cho biết.
Con Saola còn sống đầu tiên được bắt giữ vào năm 1996 tại Lào. Một vài cá thể khác được bắt giữ những năm sau đó. Đáng tiếc rằng, loài saola tỏ ra không thích nghi nổi với điều kiện nuôi nhốt, tất cả những cá thể kể trên đều bị chết
Saola là loài thú mới được phát hiện vào năm 1992 bởi một nhóm các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp Việt Nam cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và WWF khi nghiên cứu đa dạng sinh học rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh, Việt Nam), gần biên giới Việt Nam và Lào. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng kỳ lạ trong nhà một thợ săn. Đó được xem là phát hiện đầu tiên về một loài động vật có vú lớn trên thế giới trong vòng 50 năm và là một trong những phát hiện về loài tuyệt vời nhất thế kỷ 20. Sau hơn 20 năm, hiểu biết về sinh thái và tập tính của Saola vẫn còn rất hạn chế, và sự khó khăn trong việc nắm bắt loài động vật bí ẩn này đã ngăn cản các nhà khoa học đưa ra ước tính chính xác về quần thể loài. Có thể còn khoảng 200 hoặc chỉ còn vài chục cá thể Saola ở các cánh rừng rậm dọc biên giới Việt – Lào.
Saola còn được gọi là kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện sau khi được phát hiện vào năm 1992
Lần cuối cùng Saola được ghi nhận là ở Lào năm 2010. Người dân tại tỉnh Bolikhamsay, Trung Lào, đã bắt được một cá thể Saola, nhưng cá thể này đã chết sau đó. Trước đó, lần cuối cùng Saola được ghi nhận trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamsay cũng qua hoạt động bẫy ảnh. Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Saola được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998. Loài Saola thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài Linh dương với 2 cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50 cm. Saola là biểu tượng cho sự đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới Lào và Việt Nam. Cùng với sự phát hiện của Saola, hai loài khác là Mang lớn và Mang Trường Sơn cũng đã được phát hiện trong những khu rừng Trường Sơn năm 1994 và 1997.
Theo D.Ngọc (Người lao động)