Vòng quay Thể thao

Phát biểu gây sốc của HLV Miura và thực trạng bóng đá Việt Nam

Phát biểu của HLV Miura về bóng đá Việt Nam trên một kênh truyền hình Nhật Bản hồi tháng 10 đang được quan tâm. Trong đấy, ông Miura nói về những vấn đề không mới, nhưng trước ông không phải ai cũng nói thẳng.

Thực trạng nguy hiểm

Thay vì phát biểu đầy tính ngoại giao như nhiều chuyên gia ngoại khác vẫn nói về bóng đá Việt Nam khi còn tại vị, rằng bóng đá nội có rất nhiều tiềm năng, cầu thủ có kỹ thuật, thì HLV Miura nói thẳng vào những yếu kém của cầu thủ nội.

Đấy là những cầu thủ hầu như không biết cách di chuyển hoặc không di chuyển khi chơi bóng ở giải đấu quốc nội, và họ cũng không có ý thực tự sửa chữa thói quen không hay đó.

Đấy cũng là vấn đề mà lâu nay nhiều người không phải không thấy, nhưng chúng ta thường tự “ru” nhau rằng cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật, khéo léo. Dù vậy, không ai nói rõ là cầu thủ dùng kỹ thuật đấy để phục vụ điều gì? Rồi sự khéo léo có giúp gì cho tốc độ tấn công chung của cả đội bóng hay không? Trong khi với bóng đá hiện đại, tốc độ của sự vận hành nguyên một hệ thống mới là quan trọng nhất.

Vấn đề vừa nêu thuộc về tư duy không chỉ của những cầu thủ, mà còn xuất phát từ những người làm bóng đá nội. Những chuyện tưởng như rất căn bản đấy lại hầu như không thấy có ở cầu thủ Việt Nam. Nói thẳng ra là họ được đào tạo ra sao, người lớn gieo cho họ thói quen gì khi đào tạo thì cũng người lớn gặt kết quả ấy lúc cầu thủ trưởng thành.

Người điều hành nền bóng đá ngoài miệng thì nói không vội, nhưng kỳ thực nhiều khi họ vội quá!
Người điều hành nền bóng đá ngoài miệng thì nói không vội, nhưng kỳ thực nhiều khi họ vội quá!

Từ lâu, người ta không khỏi tránh được cảm giác V-League đang xuống cấp về mặt chiến thuật, bởi hầu hết các đội tham dự giải đấu này chỉ chơi có một kiểu, đó là từ tuyến dưới “bơm” bóng dài lên thẳng tuyến đầu, ỷ sức của các ngoại binh càn lướt qua hàng thủ đối phương, chứ ít đội đá bóng bằng những pha phối hợp có mảng có miếng.

Vì cái kiểu ru nhau có kỹ thuật đấy mà lâu nay chúng ta không thay đổi cung cách đào tạo cầu thủ, cứ để họ đá theo kiểu tự phát, thay vì phải được “gò” vào khuôn khổ. Người làm bóng đá Việt Nam thích làm theo lối mòn hơn là tìm sự đổi mới, khiến cho khâu vận hành chiến thuật trở thành một trong những khâu yếu nhất của cả nền bóng đá.

Lỗ hổng trong công tác điều hành

Một vấn đề khác được quan tâm khi HLV Miura đề cập đến khâu điều hành nền bóng đá, đó là những người làm bóng đá nội dường như nóng vội quá, lại càng thiếu định huống xuyên suốt.

Đây có lẽ cũng là điều không mới về thói quen ăn xổi, về kiểu làm bóng đá dạng “mưa lúc nào mát mặt lúc đấy” ở thượng tầng bóng đá nội. Nhưng điều ngạc nhiên nằm ở chỗ ông Miura thốt ra những lời này khi ông còn tại vị, trong khi nhiều chuyên gia ngoại khác thường ít đề cập thẳng đến các sếp của mình.

Bộ máy điều hành bóng đá nội ngoài miệng thì nói không cần phải vội, không cần phải chạy theo thành tích nhất thời, nhưng kỳ thực nếu không có định hướng mang tính đường dài, chẳng hạn như kế hoạch tiếp cận trình độ châu Á hay World Cup thì nếu không vội, chúng ta sẽ phải hướng đến mục tiêu nào?

Rốt cuộc thì cũng chỉ là năm lẻ thì đá SEA Games, năm chẵn đá AFF Cup, trong khi chưa biết bao giờ mới thực sự nghiêm túc với việc tranh vé dự VCK Asian Cup, hay bao giờ mới nghĩ xa hơn là làm gì để có thể đá được tại vòng loại World Cup?

Hướng đến World Cup không phải chỉ đơn giản bằng việc chỉ kéo VCK giải nữ châu Á (cũng là vòng loại World Cup) về sân nhà, rồi cố bơm thêm một ít tiền để mong đội nữ giành vé đến Canada năm sau (đã thất bại), cũng không đơn giản là thấy một nhóm nhỏ cầu thủ đá đẹp đẹp một chút là bảo ngay nhóm ấy đã sánh ngang trình độ châu lục, có thể đá ngang với Nhật, Hàn Quốc,… có thể đến ngay giải U20 thế giới vào năm sau (cũng thất bại nốt).

Không nóng vội cũng không đồng nghĩa với đội tuyển quốc gia mới thua ở bán kết AFF Cup, là lập tức tỏ thái độ như cả thế hệ vừa dự AFF Cup đấy nên… nghỉ luôn cho khỏe, cứ tập trung hết tiềm lực của nền bóng đá vào lứa U19 của duy nhất một ông bầu.

Ý của ông Miura là những người làm bóng đá nội vẫn quen với cái kiểu điều hành “mùa nào, thức đó”, thiếu những định hướng và chiến lược dài hơi, để đầu tiên là tiến lên đầu khu vực, sau đó vươn ra châu lục, cũng như thiếu luôn phương pháp đúng để thực hiện những chiến lược dạng ấy!

Kim Điền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP