TP Hà Tĩnh

Phản cảm phim ‘ăn theo’ thảm sát Bình Phước của ca sĩ vô danh

Vụ thảm ở Bình Phước từng gây chấn động dư luận, dựa trên vụ án này, phim ngắn “Thảm sát số 6” ra đời. Tuy nhiên, chỉ vài ngày xuất hiện trên mạng, phim ngắn đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội

Liên quan đến vụ thảm sát 6 người bị giết ở Bình Phước. Tin tức mới nhận, vào chiều 8/8, hàng loạt các thông tin phản ứng về phim ngắn “Thảm sát số 6” ăn theo được bình luận trên mạng Youtube. Đa phần, các ý kiến đều cho rằng không thể chấp nhận một phim ngắn đem nỗi đau của người khác ra để bình luận, bàn tán. Không chỉ vậy, cách làm phim thiếu chuyên nghiệp, sơ sài và vụng về đã biến bộ phim thành thảm họa.

Được biết, phim ngắn mang tên “Thảm sát số 6”, xuất hiện trên Youtube vào ngày 4/8, do ca sĩ Trịnh Phong & Ssproductions phối hợp thực hiện.

Đáng chú ý, phim ngắn này không có thông tin cơ quan kiểm duyệt để phát hành. Nội dung phim ngắn được xây dựng dựa trên vụ thảm sát tại Bình Phước. Tuy nhiên, những hạt sạn mà phim để lại khá nhiều, dù độ dài của phim chỉ dừng lại ở khoảng 23 phút, nhưng cách xây dựng kịch bản có nhiều tình tiết phi lý, khiến khán giả phản ứng.

Phản cảm phim 'ăn theo' thảm sát Bình Phước của ca sĩ vô danh - Ảnh 1

Một cảnh quay trong phim ngắn đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Khán giả có nickname Collection Karaoke Tube cho biết: “Có nhiều tình tiết vô lý, không hợp logic. Chẳng hạn, việc cắt cổ nữ chính mà dao nằm cách xa 15 cm. Đâm người mở cổng bằng… tay không mà vẫn gây ra chết người. Công an ở trụ sở mà không mặc cảnh phục…”.

Khán giả NhoKute426ii phát hiện thêm một vài chi tiết khiến phim bị coi là “tào lao” như: “Nam diễn viên chính đâm chết nhân vật Linh bằng… cán dao. Công an bắt nghi phạm về đồn mà hai tay thả rông”.

Khán giả Thiện Ngôn Đoàn thì bày tỏ: “Phim có nhiều hạt sạn, tình tiết vô lý và hư cấu. Tâm lý nạn nhân không đúng, không hề tỏ ra vẻ sợ hãi, trái lại còn có vẻ thách thức. Đoạn bà vú phát hiện ra sự việc, bà vừa chạy vừa nhúng nhảy, quá điệu đà. Tình tiết công an khám hiện trường như là bới rác, nhìn không chuyên nghiệp. Hay việc khám tử thi mà mang có một găng tay. Ngoài ra, đặt tên nhân vật giống hệt ngoài đời, điều này gây ra nỗi đau cho người gia đình nạn nhân. Đây là phim ăn theo và không có tính nghệ thuật. Kịch bản lỏng lẻo”.

Phản cảm phim 'ăn theo' thảm sát Bình Phước của ca sĩ vô danh - Ảnh 2

Những bình luận của cư dân mạng xoay quanh bộ phim

Trong khi đó, trên trang cá nhân của mình, nam ca sĩ Trịnh Phong thẳng thắn chia sẻ: “Thông qua bộ phim này chúng tôi chỉ xin gửi lời nhắc nhở đến các bạn trẻ, đừng để một phút thiếu suy nghĩ và gây nên những lỗi lầm không bao giờ có thể quay đầu lại được, để lại đau thương đến những người thân, trong đó có bố mẹ, gia đình và xã hội”.

Tuy nhiên, cách làm của ekip lại tạo ra làn sóng phản đối, chỉ trích của cộng đồng mạng, bởi sự vụng về, thiếu tính logic, mang tính câu like, câu view để nổi tiếng trên sự đau thương, mất mát của gia đình nạn nhân.

Trước thông điệp mà bộ phim đưa ra, khán giả Wellye Phan chia sẻ: “Cái cớ đưa ra để làm phim ngắn thật đẹp đẽ, nhưng nó vẫn chỉ là một cái cớ. Qua thông tin báo đài, mọi người có thể hiểu và tự suy ngẫm sự việc. Không cần phải làm thêm những phim ngắn kiểu này đâu. Khai thác, sáng tạo nghệ thuật không xấu, nhưng không có nghĩa là bất chấp, bất cần. Một sự việc tang thương xin để cho những người xấu số được yên nghỉ và gia đình họ bớt đau đớn. Làm nghệ thuật phải có cái tâm, đừng xây dựng lợi ích của mình trên tang thương của người khác”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sỹ Miêu Thanh cho biết: “Hiện nay, tình trạng ăn theo các sự kiện hit, hot đang là một vấn nạn trong showbiz Việt. Chạy theo xu hướng này mà lại không làm khéo léo sẽ gây ra tình trạng phản cảm, và sẽ đẩy tác phẩm trở thành một thảm họa là điều không nên. Do đó, dù là ăn theo sự kiện hot, hay làm những tác phẩm bình thường, cũng đòi hỏi nghệ sỹ và ekip thực hiện phải có sự đầu tư, và cách làm phù hợp”.

Phản cảm phim 'ăn theo' thảm sát Bình Phước của ca sĩ vô danh - Ảnh 3

Phim ngắn “Vụ thảm sát số 6″ của nam ca sĩ trẻ Trịnh Phong

Đạo diễn trẻ Huỳnh Công Tuấn cho biết: “Có những phim ngắn vẫn dựa trên câu chuyện có thực, tuy nhiên, những nhà làm phim luôn biết cách làm khéo léo, để người xem có thể hiểu thông điệp mà phim mang đến mà không tạo ra sự phản cảm và khơi nỗi đau của người khác. Điều này, còn nằm ở cái tâm và cái tầm của người làm phim nữa”.

Trong khi đó, đạo diễn Lê Thanh Phú cho biết: “Theo tôi, phim dựa vào vụ thảm sát Bình Phước là không nên. Bởi nó khơi dậy quá nhiều nỗi đau. Hiện nay thì luật chưa cấm các phim ngắn lấy tình tiết kiểu này, nhưng các cảnh bạo lực, giết chóc… thường để lại những ấn tượng không tốt cho người xem. Hiện nay, có quá nhiều phim ngắn lấy cảm hứng từ những scandal, tai nạn ngoài cuộc sống.

Họ đánh vào thị hiếu của người xem mà đôi khi không đem lại hiệu ứng tốt đẹp nào cho cuộc sống. Đây là điều khá nguy hiểm. Ngoài ra, việc câu view, câu khách như vậy sẽ khiến cho khán giả mất niềm tin vào phim ngắn Việt. Tôi không phủ định, có nhiều phim lấy cảm hứng từ các vụ án trong xã hội, như phim ngắn Năm Cam chẳng hạn, nhưng họ có sự biến tấu lại một cách phù hợp. Bên cạnh đó, họ đưa thông điệp, cái xấu cái ác sẽ bị trừng phạt rõ ràng”.

Trước vấn đề này, ca sĩ Vương Bảo Khang nhận xét: “Phim làm còn rất nhiều sạn, khi làm thì mình phải xem kỹ lúc dựng (khi nhân vật Dương bước từ trên xe khách xuống đi xe ôm là mang giầy, còn lúc xe ôm chở xuống là mang dép, công an chạy xe thì không ai đội mũ bảo hiểm…), làm phim kiểu đó thì nhiều người sẽ nghĩ là đang coi thường khán giả.

Bên cạnh đó, trong vụ án này khi công an đang trong giai đoạn điều tra, vậy mà khi lên phim tác giả lại có được kết luận thì thật là quá giỏi. Nói chung tác giả bộ phim cần rút kinh nghiệm sửa sai cho những lần sau. Đã làm nghệ thuật thì đừng bao giờ lấy chuyện buồn của người khác ra để mà làm bàn đạp cho chính mình”.

Đứng về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết: “Thông điệp của phim ngắn là đáng hoan nghênh, tuy nhiên chủ đề, nội dung và cách thể hiện như vậy là chưa ổn. Trong khi dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ thảm sát này thì đoạn phim một lần nữa, như khơi dậy nổi đau của gia đình thân nhân trong vụ án, đó là điều tối kỵ của một người làm nghệ thuật. Việc sử dụng tên thật của nạn nhân, có nội dung mô phỏng lại vụ án, khiến người khác liên tưởng ngay đến nội dung vụ án này, ở góc độ pháp lý, hành vi này có thể bị xem xét vì vi phạm quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ”.

Ca sĩ “vô danh”!?Để làm rõ thông tin về phim ngắn đang gây xôn xao dư luận này, PV báo Người Đưa Tin tìm gặp ca sĩ Trịnh Phong và đơn vị Ssproductions nhưng bất thành. Những thông tin trên internet về ca sĩ Trịnh Phong và đơn vị Ssproductions không có nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm về âm nhạc của ca sĩ Trịnh Phong khá ít ỏi. Chỉ một vài bài hát được đăng trên các trang mạng âm nhạc. Ngoài ra, chàng ca sĩ này cũng hiếm hoi về các scandal. Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục liên hệ với ca sĩ Trịnh Phong và đơn vị Ssproductions để thông tin thêm cho bạn đọc.

Chuyện không nên làm

Vào chiều 8/8, liên quan đến vụ việc, một đại diện Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Việc lấy vụ thảm sát ở Bình Phước gây chấn động dư luận thời gian vừa qua để mô phỏng làm một sản phẩm văn hóa là không nên. Hiện vụ án này vẫn đang được Công an tỉnh Bình Phước điều tra, làm rõ”.

HỢP PHỐ- VÕ THÁI- ĐỨC VƯỢNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP