Di tích - Thắng cảnh

Phá vỡ cấu trúc đền Chợ Củi bằng Sư tử đá trắng và Voi bê tông!

“Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, nên từng chi tiết nhỏ của di tích đều cần được bảo tồn đúng như hồ sơ kiểm kê di tích do cơ quan chuyên môn lập, quản lý”, ông Tính nói.

Một số cá nhân đang trông coi di tích đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã tự ý tiếp nhận và đưa vào di tích những hiện vật cung tiến ngoại lai, làm sai lệch di tích gốc.
Sư tử đá màu trắng được đưa vào hai bên cổng chính của di tích đền Củi
Thời gian gần đây, du khách khi đến di tích đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) rất ngạc nhiên khi thấy trước cổng chính của đền ngoảnh ra sông Lam xuất hiện hai con sư tử tạc bằng đá trắng.
  • TIN LIÊN QUAN
Phía ngoài, cũng xuất hiện một cặp voi bằng bê tông, được xây bệ rất chắc chắn.
Đây là những hiện vật không hề có trong hồ sơ di tích gốc, mà mới được đưa vào trong thời gian gần đây. Hành vi tiếp nhận, đặt hiện vật mới tại di tích đã làm sai lệch di tích gốc, gây phản cảm.
Đặc biệt, tượng sư tử có nguồn gốc từ Trung Quốc, không thuộc văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Tính, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng việc đưa voi, sư tử vào di tích như trên là sai.

Voi bằng bê tông trước cổng đền.
Ông Tính cho biết, sở dĩ có chuyện như trên là do từ trước đến nay, di tích đền Chợ Củi chỉ do gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý trông coi.
Vào ngày 28/4/2014, Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thiện đã kí văn bản về việc thành lập BQL di tích đền Củi, và huyện Nghi Xuân đã tổ chức công bố vào ngày 20/5/2014. Thành phần BQL di tích có trưởng ban là cán bộ thuộc UBND huyện Nghi Xuân, các ban viên gồm cán bộ UBND xã Xuân Hồng và gia đình ông Quý.
“Chúng tôi đang từng bước thành lập BQL di tích, xây dựng qui chế hoạt động với phương châm chặt chẽ, đúng luật. Trước đó, chúng tôi đã tham khảo mô hình quản lí di tích ở nhiều nơi để có phương án áp dụng phù hợp. Sau một thời gian hoạt động, khi mà mọi hoạt động ở di tích đã đi vào nề nếp, chúng tôi sẽ giao di tích cho xã Xuân Hồng quản lí”, ông Tính cho hay.
Theo nguồn tin của PV, một quan chức của huyện Nghi Xuân cho hay, liên quan đến di tích đền Củi, đã có sự can thiệp của một số quan chức Bộ VH-TT&DL, theo hướng bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý. “Nhưng sự can thiệp đó là trái luật Di sản Văn hóa, nên chúng tôi kiên quyết không chấp nhận, chúng tôi đã phản ứng gay gắt”, vị quan chức này cho hay.
Đền Chợ Củi (hay Đền Củi) toạ lạc ở mái đông núi Ngũ Mã, ngoảnh ra bờ sông Lam, được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVIII thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, Quan Hoàng Mười, Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Đền Chợ Củi được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1993, là nơi nổi tiếng linh thiêng nên có lượng khách thập phương rất đông. Tại đây đã xảy ra tình trạng quá tải, lộn xộn, ô nhiễm môi trường và một số hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan.
Quang Đại – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP