Liên quan vi phạm nghiêm trọng trong sự cố môi trường biển của Formosa, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang – nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Bùi Cách Tuyến và ông Nguyễn Thái Lai; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).
Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng theo quy định đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai, Võ Kim Cự.
Ông Võ Kim Cự (Ảnh: Vietnamnet)
Xử lý nghiêm túc, trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, những vi phạm, khuyết điểm của các cán bộ trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của nhân dân, gây bức xúc xã hội thì việc Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật như vậy là rất nghiêm túc, trách nhiệm.
“Việc cách hết các chức vụ trước đó của ông Võ Kim Cự, cũng như kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Minh Quang khẳng định sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Người nào vi phạm phải chịu trách nhiệm đến cùng và hình thức kỷ luật cũng không loại trừ những người đã nghỉ hưu, người chuyển công tác. Đó là điều đáng chú ý nhận thức trong toàn Đảng để không có chuyện hạ cánh an toàn” – ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, khi quyết định một hình thức kỷ luật đối với một cán bộ, đảng viên, nhất là những người có trọng trách, Trung ương đã cân nhắc rất kỹ. Việc kỷ luật không chỉ đối với bản thân những người chịu thi hành kỷ luật mà quan trọng hơn là giữ nghiêm kỷ luật Đảng, luật pháp của Nhà nước và còn có ý nghĩa giáo dục, răn đe đối với những người đương chức. Và thông qua việc xử lý kỷ luật cũng đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là những cán bộ quản lý đang giữ cương vị cao.
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, kết luận của Ban Bí thư về việc xử lý những cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu có liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung là nghiêm túc. Việc quyết định thi hành kỷ luật đối với các cán bộ trên thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về việc phòng, chống những tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm đối với các cán bộ, công chức, người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức dù ở cấp nào.
“Kết luận của Ban Bí thư cũng khẳng định chúng ta xử lý nghiêm minh từ trong Đảng đến chính quyền. Việc xử lý đối với ông Võ Kim Cự – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Nguyễn Minh Quang – nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất xác đáng. Đảng đã có kết luận như vậy thì chính quyền cũng phải có những bước xử lý tiếp theo. Đối với ông Nguyễn Minh Quang, mặc dù đã nghỉ công tác nhưng cũng phải xử lý trách nhiệm đến cùng, đặc biệt là thời gian ông còn đương nhiệm” – ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Ông Võ Kim Cự nên từ chức
Theo vị đại biểu với nhiều phát ngôn mạnh mẽ trên nghị trường, không chỉ kỷ luật 2 người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và Trung ương về môi trường mà còn phải xử lý tiếp theo đối với những cán bộ ở các cấp khác có những biểu hiện, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, không bảo vệ mà còn tiếp tay việc gây ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung.
“Dù việc xử lý vụ việc này chưa có tiền lệ nhưng với quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước thì rào cản nào chúng ta cũng vượt qua được. Có rào cản nào hơn việc chúng ta đã vượt qua được là phải khẳng định thực hiện theo đúng luật bảo vệ môi trường. Đó cũng là quyết tâm trong kỷ luật Đảng, không loại trừ bất kỳ cương vị nào, dù người đó là ai nếu có vi phạm. Tôi tin chắc chúng ta sẽ thực hiện tốt công việc xử lý đúng người, đúng việc, đúng vi phạm mà người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước các quy định của Đảng, Nhà nước” – ông Tiến nói.
Liên quan đến những khuyết điểm nghiêm trọng của ông Võ Kim Cự, một số cử tri kiến nghị việc ông nên từ chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Quốc hội cũng nên xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Cự, ông Tiến cho rằng đó là nguyện vọng chính đáng của cử tri cũng như dư luận xã hội.
“Việc hành xử thế nào là thuộc về ông Cự. Tốt nhất là khi thấy mình có khuyết điểm thì nên xin lỗi nhân dân và có văn hóa mà trước đây đã có người giữ chức vụ cao xin từ chức khi nhìn thấy bản thân họ ở cương vị đó không còn phù hợp nữa. Về tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Cự cũng cần chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và trình Quốc hội tại phiên họp gần nhất” – ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng việc xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội cũng như các chức vụ khác của ông Cự chỉ còn là vấn đề thời gian.
“Đảng kết luận ông Cự vi phạm nghiêm trọng, thì chắc chắn ông ấy không còn đủ tư cách đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân được nữa. Tất nhiên, không ai mong muốn bị kỷ luật, nhưng ai làm sai và làm sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm và chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giữ gìn kỷ cương phép nước” – ông Phúc phân tích./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV