Trong nước

Ông Trương Minh Tuấn: 'Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí'

Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nói, tự do báo chí là quyền căn bản của công dân được ghi trong Hiến pháp.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ngày 17/11, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, đã nêu câu hỏi về tình trạng lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do dân chủ để có hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của công dân.

Giải đáp vấn đề này, ông Trương Minh Tuấn nói "đó là một thực tế nhức nhối".

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Quốc hội tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Võ Hải.

"Đảm bảo báo chí Việt Nam không bị lũng đoạn"

Theo Bộ trưởng Tuấn, vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp; Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương nhất quán vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, luật pháp không cho phép ra báo chí tư nhân, điều này đã và đang bị xuyên tạc, lợi dụng để công kích chế độ. "Họ cho rằng không cho ra báo chí tư nhân là chúng ta không có tự do ngôn luận", Bộ trưởng Tuấn nói. Phản bác lập luận này, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nêu rõ, Việt Nam có báo Đảng, báo của cơ quan nhà nước, báo của các đoàn thể, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nên cá nhân không được phép ra báo nhưng các cá nhân tập hợp lại thành tổ chức xã hội tự nguyện, hoạt động hợp pháp, phi lợi nhuận thì được phép ra báo. Và không chỉ các nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có quyền viết bài, bày tỏ chính kiến của mình trên mặt báo.

"Việc không cấp phép cho tư nhân ra báo không những không làm hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà còn đảm bảo báo chí nước ta không bị lũng đoạn", ông Tuấn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Quochoi.

Về quản lý báo chí, ông Trương Minh Tuấn nói, Bộ Thông tin Truyền thông có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cấp thực hiện công tác định hướng báo chí theo điều lệ, nghị quyết của Đảng; theo Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan.

“Tôi khẳng định Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí”, ông Tuấn nói.

Hoàn thiện lại quy hoạch báo chí

Liên quan đến ý kiến nêu trên của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nói thực tế đó do nhiều nguyên nhân, đặc biệt khi mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông.

Ông Tuấn chỉ rõ tồn tại của tình trạng báo chí đưa tin nửa sự thật, sai sự thật, đưa tin thật giả lẫn lộn, giật gân câu khách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, mô tả tội ác rùng rợn, các hành vi thiếu nhân tính, gây bất an cho xã hội... .

"Với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ đã đưa ra các giải pháp tổng thể và đột phá, rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan, đưa ra các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa và răn đe", ông nói.

Về việc triển khai đề án quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thời gian qua nhiều cơ quan chủ quản đã tích cực triển khai. Với Bộ Thông tin Truyền thông, từ 8 cơ quan báo chí giảm về còn 3 (2 báo, một tạp chí). Theo quy hoạch, cấp Bộ chỉ có một báo, một tạp chí và hiện đang sắp xếp lại.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đề án trên cũng sẽ tính tới yếu tố đặc thù, nhất là với các cơ quan báo chí có lượng độc giả đông.

Vừa qua, cấp có thẩm quyền đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm chỉnh sửa đề án trên theo hướng quy hoạch phù hợp với Luật báo chí. "Chúng tôi đã hoàn thiện lại và trình Thủ tướng trên cơ sở chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng", ông nói.

Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại hệ thống báo chí, khuyến khích hoạt động hữu ích và đúng pháp luật; phối hợp với các cơ quan chủ quản kiên quyết sắp xếp lại các toà soạn hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP