Đây là lần thứ hai chúng tôi ghé nhà tạm lánh Mai Tiến (phường Hố Nai, TP Biên Hòa, Đồng Nai, nơi cưu mang nhiều mảnh đời cơ nhỡ, những sản phụ "vô gia cư", trong đó có những sản phụ chưa thành niên) để thăm T.P (SN 2002, Vũng Tàu).
Tâm sự người mẹ trẻ con
P. vừa sinh con chưa tròn 1 tháng. Vẫn còn yếu và khá vụng về, lóng ngóng khi chăm con. "Em chưa quen nên vất vả lắm chị nhưng cứ nghĩ đến những người không có cơ hội được làm mẹ, em lại thấy mình may mắn" - P. tâm sự như một người đã trưởng thành.
13 tuổi, thông qua mạng xã hội, P. tình cờ quen một thanh niên quê ở Đắk Lắk (hơn P. 2 tuổi). Gần 3 năm quen nhau, không có cơ hội gặp nhau nhiều nhưng cũng đủ để cả hai đi quá giới hạn. Khi P. mang thai, người yêu "lặn" mất tăm. Đau đớn, sợ hãi, lo lắng, P. quyết định nói sự thật với mẹ. Sốc trước việc con gái chưa tròn 16 tuổi "không chồng mà chửa" nhưng thương con, bố mẹ P. đành phải tìm cách giải quyết. Họ đưa P. lên TP HCM phá thai. "Ngồi trong phòng khám Bệnh viện Từ Dũ, con em cử động không ngừng, chắc con đang sợ hãi cùng cực, muốn được sống. Em bỗng thấy thương con quá!" - P. kể lại.
Cái thai 5 tháng đã quá lớn, sức khỏe P. cũng không được bảo đảm, bác sĩ khuyên giữ thai và chỉ dẫn gia đình liên hệ nhà tạm lánh Mai Tiến để được giúp đỡ.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi đang được cưu mang tại chùa Kỳ QuangẢnh: Trịnh Thiệp |
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày sinh nở, T.H (SN 2001, Thanh Hóa) tỏ ra khá bình thản khi chúng tôi hỏi thăm. "Em chỉ chờ nhanh đến tháng 8, đẻ xong rồi em lại được về quê. Đi lâu rồi, em nhớ nhà lắm!" - H. nói.
Cao ráo, xinh xắn, 13 tuổi. H. đã có nhiều "vệ tinh" vây quanh và "nếm trái cấm" không lâu sau đó. Những cuộc hẹn hò đến và đi trong những khu nhà trọ, nhà nghỉ ven đường. Sau đó thì đường ai nấy đi.
H. dính bầu trong một lần quên uống thuốc tránh thai cấp tốc. Chậm kinh hơn 8 tuần, H. mới biết mình có thai. Bố mẹ kiên quyết buộc phá thai, H. cũng không muốn giữ vì "em còn tương lai". Khăn gói vào TP HCM nhưng sau khi thăm khám, bác sĩ khuyên không nên mạo hiểm. Không thể về quê, H. vào nhà tạm lánh Mai Tiến.
"Bố mẹ em đồng ý rồi, em sẽ cho con khi mới vừa đẻ ra. Không nhìn thấy con sẽ bớt đau lòng, bớt thương xót. Vả lại mình cũng biết gia đình nhận nuôi nó, khi nào nhớ thì có thể tìm đến thăm. Lần này ở đây (nhà tạm lánh - PV) cũng có nhiều người cho con đi lắm. Cho lúc mới sinh ra. Chứ không sẽ như chị ở phòng kế bên em, đợi con đầy tháng cho cứng cáp mới cho, xong chăm con rồi lại không nỡ xa, có người đến đón thì không cho. Em sợ quyến luyến như vậy nên phải cho hẳn càng sớm càng tốt chị ạ" - H. thẳng thắn chia sẻ.
"Cha ơi, cha ở đâu? Mẹ ơi, mẹ ở đâu?"
Những câu hỏi trong lời bài hát "Dấu chấm hỏi" của nhạc sĩ Thế Hiển chưa bao giờ làm chúng tôi cảm nhận sâu sắc, xót xa đến vậy, sau những ngày lang thang các mái ấm tình thương dành cho trẻ mồ côi để thực hiện loạt bài này.
Vừa bước chân lên tầng 2 mái ấm Thiên thần (quận 9), nơi dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi, chúng tôi đã bắt gặp ngay những đôi mắt đen trong trẻo không giấu được nỗi vui mừng của các bé kèm theo đó là những cánh tay đưa ra đòi được bồng bế, ôm hôn. Khi được bế, các bé liền áp mặt vào vai chúng tôi, đôi tay ôm thật chặt, không muốn rời. "Mái ấm chỉ có 10 bảo mẫu, không thể quán xuyến hết việc nên các con từ 4 tuổi trở lên mới được tự do chạy chơi trong sân; các con 1-3 tuổi chỉ ở trong phòng này. Vì vậy, cái gì đối với các con cũng lạ. Các con rất thích được bế lên cao, nhìn ra sân qua song cửa sổ" - một bảo mẫu cho biết.
Tại chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp), chúng tôi chứng kiến nhiều đứa trẻ đỏ hỏn khóc ngằn ngặt vì thèm hơi ấm của mẹ. Khóc riết, không ai dỗ dành, cưng nựng nữa thì tự nín, mím chặt môi… và mếu. Chị M., có thâm niên trong việc chăm sóc trẻ tại chùa Kỳ Quang, cho biết hầu như tháng nào chùa cũng tiếp nhận 1-2 trường hợp bé sơ sinh bị mẹ vứt bỏ. Hầu hết không để lại bất kỳ thông tin gì về bé và cũng không thấy ai quay lại tìm con.
"Họ từ bỏ trách nhiệm, mặc con cô độc giữa cuộc đời. Dù các con ở đây được chăm sóc tử tế, được yêu thương nhưng chắc chắn cái cảm giác mặc cảm, tủi thân vì bị cha mẹ bỏ rơi sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời trẻ mồ côi" - chị M. ngậm ngùi.
Thời điểm đến đây, chúng tôi tình cờ gặp đôi vợ chồng trung niên đến thăm các bé. Chứng kiến các bé chơi một mình, tự khóc rồi tự nín, người phụ nữ bật khóc. Chị giới thiệu tên Loan, ngụ quận Gò Vấp, 45 tuổi, không thể sinh con dù đã chạy chữa nhiều nơi. Ánh mắt đỏ hoe, chị nói như đang tâm sự với chính mình: "Người khao khát có một đứa con để yêu thương, che chở mà không được; người lại dễ dàng vứt bỏ núm ruột của mình. Thật không công bằng".
Linh mục T. (người nhận nuôi và trực tiếp chăm sóc các bé tại mái ấm Thanh Tâm, quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết hiện tại đang nuôi dưỡng 13 trẻ mồ côi, từ sơ sinh đến 12 tuổi. Mẹ các bé đa phần là học sinh, sinh viên, công nhân. Tên của các bé được đặt theo họ mẹ, vì bé sinh ra có giấy chứng sinh. Linh mục T. luôn nỗ lực đi tìm nguồn gốc của các bé nhưng có người không liên lạc được, có người giờ đã có gia đình, không muốn để chồng biết quá khứ của mình.
"Các bé thường hay hỏi về nguồn cội của mình, về những khác biệt hoàn cảnh sống giữa mình và các bạn ở trường... Xót xa nhất là có bé mới 2 tuổi nhưng lúc nào cũng ôm khư khư chai nước lọc không cho ai đụng vào vì "để dành cho mẹ"- linh mục T. chia sẻ.
Trên đường về, những lời nói ngây thơ, hồn nhiên nhưng chứa đựng khát khao cháy bỏng về một gia đình có ba, có mẹ của cô bé tên N. cứ văng vẳng bên tai chúng tôi, như một nỗi ám ảnh. "Cô thấy con vẽ bức tranh này đẹp không? Con vẽ ba mẹ và con đang đi chơi công viên. Đợi sau này được về nhà, con sẽ cho ba mẹ xem".
Sao con không có ba? Ngồi bên giường của con gái đang bệnh, chị N.T.M.L nén nỗi đau kể lại hoàn cảnh của mình. Cách đây 6 năm, lúc đó L. đang học lớp 10 đã mang thai với bạn trai cùng trường. Bị chối bỏ, L. một mình sinh con và làm mẹ ở tuổi 16 với muôn vàn khó khăn. Hiện tại, con gái của L. đã vào lớp 1 nhưng chưa một lần được gặp mặt cha. "Có lần, bé con hỏi tôi: "Tại sao con không có ba hả mẹ? Tại sao ba không sống cùng mình hả mẹ?". Tim tôi đau nhói" - chị L. kể. Hiện tại, L. xin tình nguyện ở lại Mái ấm Tình Mẹ (Bình Dương) vì nơi đây đã giúp L. trưởng thành hơn, tìm lại chính mình và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi chung tay giúp các bà mẹ trẻ lầm lỡ như mình… "Họ không cùng máu mủ nhưng có tấm lòng bao dung khiến những người xa lạ trở nên gần gũi, yêu thương. Ở nơi đây không có khoảng cách, chỉ có sự thông cảm và sẻ chia" - chị L cho biết. |
Tác giả: Nhóm phóng viên
Nguồn tin: Báo Người lao động