Xã hội

Nước mắt, tình người trong tâm lũ Lai Châu

Chồng tôi cũng đứng lên chạy nhưng chỉ được vài bước thì đất sạt đánh ầm một cái, chỉ trong chớp mắt tôi không thấy ông ấy đâu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên bà Vũ Thị Mai Phương, mất chồng, mất toàn bộ tài sản sau cơn lũ dữ

Tang thương chồng chất

Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó Lai Châu là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với 12 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương tính đến 11h ngày 26/6.

9h15 sáng 26/6, tại bãi đất trống bên trang trại nuôi cá tầm đã bị cơn lũ dữ tàn phá hoàn toàn ở Km73 QL4D đoạn qua thôn Chu Va 12 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), phía sau là dòng suối vốn yên bình nay cuồn cuộn chảy đục ngầu, bà Vũ Thị Mai Phương (56 tuổi, chủ trang trại cá tầm) liên tục gào khóc dưới cơn mưa ngày một nặng hạt.

Nước mắt lưng tròng, bà Phương kể, sáng 24/6, mưa lớn gây ra 6 đợt sạt lở đất. Đợt đầu, đất sạt vào ao cá của gia đình bà lúc 8h sáng. Thấy thế, chồng bà là ông Dương Ngọc Hưng (58 tuổi, trú tại TP Lai Châu) liền chạy ra vớt cá và be bờ để cá khỏi đi mất. “Tôi làm ở đầu ao, ông ấy làm ở cuối ao, đang lúi húi làm thì đất sạt đợt thứ 2. Anh Mua, người làm thuê cho gia đình vừa tri hô, vừa cầm tay lôi tôi chạy lên bãi đất trống. Chồng tôi cũng đứng lên chạy nhưng chỉ được vài bước thì đất sạt đánh ầm một cái, chỉ trong chớp mắt tôi không thấy ông ấy đâu. Xung quanh chỗ ông ấy đứng chỉ còn mênh mông bùn đất”, bà Phương nấc nghẹn.

Lúc đầu, bà Phương vẫn nghĩ chồng chỉ trôi đi, có thể bám víu vào đâu đó và sẽ trở về, bởi vừa đây thôi, ông ở bên bà, mạnh khỏe và vui vẻ. Nhưng 3 ngày qua, dù UBND huyện Tam Đường đã huy động hàng trăm người đào bới, tìm kiếm nhưng vẫn chưa thấy ông Hưng. Trang trại cá tầm ông bà gây dựng hết 15 tỷ đồng, tiền đều vay từ ngân hàng giờ mất trắng. “Tôi cũng không biết gượng dậy thế nào”, bà Phương nức nở.

Ôm mẹ động viên, anh Dương Hải Long, con trai bà Phương cho biết, 6 năm trước, bố mẹ anh lên xã Sơn Bình mở trang trại cá tầm, cá hồi lập nghiệp. Thời điểm lũ về anh và vợ con ở TP Lai Châu nên may mắn thoát nạn. “Sáng hôm đó, thấy mưa to, tôi điện thoại cho bố hỏi thăm tình hình. Bố nói chỉ mưa to chứ nước suối không dâng. Tuy nhiên, một phần ngọn đồi phía đèo Ô Quý Hồ đang sạt xuống nên bố bảo tôi chạy về sơ tán tài sản. Chưa kịp về tôi nhận được tin dữ, bố đã mất tích và khoảng 40 tấn cá thịt, gần một tấn cám, hàng chục nghìn con cá giống cùng toàn bộ nhà cửa, ao nuôi của gia đình đều bị vùi lấp”, anh Long nhớ lại.

Sáng 26/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ và các bộ ngành đã trực tiếp có mặt tại vùng rốn lũ Lai Châu để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và động viên, chia sẻ mất mát với bà con nơi đây. Phó Thủ tướng đã nắm tay, thăm hỏi và chia sẻ với nỗi đau, mất mát của gia đình bà Phương, động viên bà giữ gìn sức khoẻ cùng lực lượng chức năng tìm kiếm chồng và xây dựng lại cuộc sống. Phó Thủ tướng cũng dặn dò anh Long, con trai bà Phương phải rắn rỏi thành chỗ dựa cho mẹ và gia đình vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.

Nỗ lực xóa thế chia cắt giao thông

Tối 25/6, tại hai đầu tuyến QL4D Lào Cai và Lai Châu, 2 mũi thi công khẩn trương hót dọn đất đá, san gạt mặt đường nhằm thông tuyến, giúp tỉnh Lai Châu thoát khỏi thế cô lập, mở đường cứu trợ người dân nơi “rốn lũ”.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại hiện trường, để hỗ trợ tỉnh Lai Châu khắc phục sạt lở từ Km73 - Km77 tuyến QL4D, trong đêm 25/6, Sở GTVT Lào Cai đã huy động thêm một máy xúc cùng một máy phát điện lên hiện trường giúp đơn vị thi công thuận lợi, hiệu quả.

Anh Đoàn Văn Hướng, cán bộ điều hành máy xúc trên tuyến QL4D cho biết, 3 ngày qua các công nhân lái máy xúc trên tuyến đã làm việc liên tục ngày đêm. Bữa sáng, trưa, tối chỉ ăn tạm bánh mỳ hay cơm hộp rồi lại tiếp tục làm việc. Đến sáng 26/6, nhiều công nhân mệt ríu mắt nhưng vẫn nhất quyết bám trụ thi công chỉ mong đường được khắc phục, xóa thế cô lập vùng lũ.

Nhờ nỗ lực và sự tương trợ lẫn nhau giữa ngành GTVT Lai Châu và ngành GTVT Lào Cai, đến 23h20 ngày 25/6, tuyến QL4D đã thông xe 1 chiều, các xe từ 7 chỗ trở lên có thể lưu thông. Đến chiều 26/6, các phương tiện bao gồm cả xe đầu kéo có thể lưu thông 2 chiều.

Bế cháu nhỏ nghỉ ngơi ven tuyến QL4D chờ lực lượng chức năng phân luồng giao thông, bà Hoàng Thị Minh (53 tuổi, trú tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cho biết, bà đã ở Sa Pa 3 ngày liền không thể về nhà vì tuyến QL4D bị sạt lở khiến giao thông tê liệt. “Tôi từ quê Ninh Bình ra ngày 22/6 vì thời tiết nóng nên định ở Sa Pa 1 hôm chơi cho mát rồi về Than Uyên nhưng gặp đúng lúc mưa lũ, đường sạt lở không thể về nhà. Tiền hết, mấy ngày ở Sa Pa không có đủ đồ ăn, nhiều hôm ăn tạm ổ bánh mỳ, thậm chí phải nhịn ăn. Ngày 25/6 nghe tin sẽ thông tuyến nên tôi gọi con trai lên đón về”, bà Minh cho biết.

Sáng 26/6, trực tiếp thị sát cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hiện trường sạt lở trên tuyến QL4D, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, sau khi nhận thông tin mưa lũ, Bộ GTVT đã chỉ đạo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN có mặt ứng trực tại các điểm thiệt hại giao thông để cùng địa phương khắc phục hậu quả. Hiện, tuyến QL4D đã thông xe, QL279 từ Lai Châu đi Sơn La đã thông, nhưng hướng từ Lai Châu đi Lào Cai hiện nay chưa thông. QL32 đi Yên Bái đã thông hoàn toàn. QL12 đã thông nhiều lần nhưng thời tiết phức tạp nên cứ thông xong lại sạt. QL4H đi huyện Mường Tè hiện chưa thông do khối lượng sạt lở lớn, đặc biệt bị đứt khoảng 35m ở đầu cầu Nậm Bum…

“Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị thi công huy động mọi lực lượng, máy móc, thiết bị thi công, phấn đấu thông xe sớm nhất để giao thông thông suốt, hỗ trợ công tác ứng cứu vùng mưa lũ bị cô lập”, Thứ trưởng Công nói.

Theo Thứ trưởng, về thiệt hại với đường địa phương, tính toán sơ bộ lên tới 118 tỷ đồng, đường T.Ư khoảng 70 tỷ đồng. Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN xem xét các nguồn dự phòng để hỗ trợ mức tối đa…

Phó Thủ tướng thị sát chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ

Sáng 26/6, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường mưa lũ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người tử vong. Đồng thời, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói và bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm ATGT tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và ATGT trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí đối với người dân vùng lũ. Bộ GD&ĐT hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương việc bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là đối với các học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh mưa lũ. Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, khôi phục sản xuất nông nghiệp, phòng chống sạt lở sau khi lũ rút. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực VN, chủ các hồ thuỷ điện chủ động vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, đảm bảo đúng quy trình. Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân biết chủ động phòng, tránh...

28 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 141 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, hiện đã có 28 người chết và mất tích do mưa lũ (5 người chết ở Hà Giang; 12 người chết ở Lai Châu; 11 người mất tích ở Lai Châu) và 7 người bị thương ở Lai Châu.

Mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 83 ngôi nhà bị đổ, cuốn trôi; 508 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại, phải di dời khẩn cấp; 962 ngôi nhà bị ngập nước; 1.207ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 97 con gia súc và 5.400 con gia cầm bị chết; 46ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại kinh tế đến thời điểm này ước tính khoảng 141 tỷ đồng, trong đó Hà Giang 25 tỷ đồng, Lai Châu 95 tỷ đồng, Thái Nguyên 0,32 tỷ đồng, Lào Cai 6,3 tỷ đồng, Cao Bằng 0,16 tỷ đồng, Điện Biên 2 tỷ đồng, Tuyên Quang 10 tỷ đồng…

Tác giả: Yến Chi

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: nước mắt , Lai Châu , lũ cuốn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP