Trong 7 năm chiến đấu với bệnh tật cùng Đạt, Thúy Hằng đã không biết bao nhiêu lần phải đấu tranh trước những tình cảm, những săn đón chân thành đến mức cô suýt ngã lòng của những chàng trai khác. Vậy nhưng chưa có điều gì có thể khiến tình yêu của cô dành cho chàng trai bại liệt có thể vơi bớt.
Tôi không khỏi bất ngờ khi nghe câu chuyện của Hằng bởi nhận thấy trong câu chuyện này có hơn một tấm lòng đáng trân quý, có hơn một tình yêu đáng khâm phục. Phải yêu Hằng rất nhiều, chàng trai hàng xóm mới kiên nhẫn đến vậy…
Hằng kể thêm, để từ chối tấm chân tình của chàng hàng xóm, cô đã nói với anh rằng: “Anh yêu em sâu đậm như thế nào thì em yêu Đạt sâu đậm như thế và còn hơn thế. Vì tình yêu của chúng em đã được thử thách qua nhiều khắc nghiệt của cuộc sống. Anh ấy có vẻ thất vọng sau câu trả lời của em nhưng vẫn quả quyết rằng sẽ đợi em, đợi đến khi em chấp nhận tình cảm của anh ấy mới thôi”.
Nhất tâm với người đã chọn
Vốn là một cô gái xinh xắn, nhiệt tình và tốt bụng, ngay từ thời sinh viên, Hằng đã phải “giải quyết” nhiều cái “đuôi” vây quanh mình, trong đó có một anh cùng trường, quyết tâm “đeo bám” để tán đổ bằng được cô. Đó là một tràng trai con nhà khá giả, trong khi các bạn cùng trường chỉ có chiếc xe wave để đi lại thì chàng “chơi” hẳn chiếc xe SH mỗi khi đến trường. Sau mỗi buổi học, chưa kịp ra đến cửa, Hằng đã “tia” thấy chàng đứng lấp ló ngoài cửa lớp, chờ đợi để mời “người đẹp” lên xe về phòng trọ.
Cô ân cần chăm sóc người yêu của mình. |
Hằng tâm sự: “Thời điểm ấy em cũng mệt mỏi thật vì những lúc học hết 5 tiết, vừa đói, vừa mệt lại phải liên tục trả lời những câu hỏi hơi vớ vẩn của anh ấy. Nhiều khi em không buồn nói chuyện thì anh ấy cứ lặng lẽ dắt bộ xe đi theo về đến tận phòng trọ rồi ngồi lì ở đấy không chịu về. Em phải trốn sang phòng bên cạnh để tránh nhưng cũng chỉ được vài ngày. Sau này, em dùng chiêu giả vờ đi chơi sau mỗi buổi học. Em đi về với các bạn cùng lớp, và “tránh bão” ở nhà các bạn nên anh ấy không còn cách nào khác ngoài việc lên xe về nhà. Chị cứ tưởng tượng, sau 5 tiết học, bụng rống rỗng thế mà em toàn phải đi “mua đường”, vào nhà bạn ngồi một lúc rồi mới vòng về phòng của mình”.
Cũng phải “mua đường” mất vài tháng, Hằng mới “dứt” được cái đuôi si tình, ngày nào cũng lì lợm đợi trước cửa lớp học. Hằng cho biết: “Cũng may, thời còn đi học, không cuối tuần nào em ở lại Hà Nội nên mới thoát được chàng trai si tình này chứ cứ nói lời từ chối mãi em cũng ngại, sợ mọi người lại cho là mình kiêu. Các bạn cùng phòng kể lại, gần như không tối thứ bảy tuần nào anh ấy không đến… trồng cây si ở phòng trọ. Đến mức các bạn trong phòng phải cử người tiếp đón, chuyện trò, nói cho anh ấy biết em đã về chăm sóc người yêu. Ban đầu anh ấy còn không tin, cho rằng em trốn đâu đó cứ lánh mặt nên cứ kiên trì ngồi đợi, mãi đến khuya không thấy em xuất hiện mới đứng dậy ra về”.
“Sao em không công khai chuyện mình đã có người yêu”? – Tôi hỏi Hằng. Cô gái cúi đầu xuống, nói nhỏ: “Em nói hết chứ. Bất cứ ai có ý đồ với em, em đều nói như vậy nhưng không ai tin vì không bao giờ thấy em đi cùng bạn trai nào cả. Anh Đạt có mấy khi đến phòng trọ của em đâu. hồi mới đi làm thì anh ấy đi công trường suốt, may mắn lắm cả tháng mới về thăm em được một lần. Sau này thì anh ấy chỉ nằm một chỗ, đi lại sao được mà mọi người biết. Chỉ những người bạn cùng phòng trọ mới biết chuyện của em. Các bạn cũng can ngăn em nhiều lắm”.
Nói đến đó, Hằng đưa mắt nhìn Đạt, thấy người yêu có vẻ đang mải suy nghĩ điều gì đó, cô mới khẽ kể tiếp: “Có bạn còn cho rằng, chắc sau một năm đi lại, chăm Đạt bại liệt là em sẽ chán, sẽ nhãng ra ngay thôi. Cũng có bạn đoán rằng, chắc nhà anh Đạt giàu có lắm nên em mới quyết theo anh ấy đến cùng. Có ai biết là nhà anh ấy cũng nghèo khổ như các gia đình thuần nông ở những vùng quê khác đâu. Em nói thì ngay lập tức các bạn hỏi: “Vậy mày trông chờ gì ở Đạt?”. Em cũng ngỡ ngàng, không thể trả lời được câu hỏi ấy. Nhiều lúc em cũng khổ tâm lắm vì bị các bạn hiểu lầm nhưng rồi em kệ, mình cứ làm những gì trái tim mình mách bảo và khiến mình thấy vui là được”.
Những tình yêu bất tử
Hết phải “cắt đuôi” các chàng sinh viên cùng trường, Hằng lại phải “giải quyết” anh hàng xóm si tình người mà cô thú nhận “cũng nhiều lần suýt ngã lòng trước những tìn cảm quá chân thành của anh ấy”. Hai người quen nhau cách đây 4 năm, khi Hằng tham dự hội vật ở quê vào dịp Tết. hóa ra nhà hai người chỉ cách nhau 3 cây số. Đấy chính là lý do khiến mỗi dịp Hằng về quê là anh hàng xóm lại tìm cách đưa về để tiếp cận và từng bước “đánh gục” cô gái xinh đẹp. Hằng kể: “Ban đầu hai bọn em chơi với nhau rất thân, em kể cho anh ấy nghe tất cả về anh Đạt, về tình trạng bệnh tật của anh Đạt. nhưng anh ấy không biểu hiện thái độ gì, vẫn cứ lặng lẽ đưa em về quê mỗi khi em muốn về thăm nhà. Cho đến khi em nhận được ánh mắt, thái độ khác lạ của anh ấy thì em ngay lập tức… giãn khoảng cách. Em tự về nhà, không trả lời bất kỳ tin nhắn hay cuộc điện thoại nào của anh ấy nữa”.
Tưởng im lặng là xong, Hằng không ngờ anh hàng xóm này đã chuyển hướng “tấn công” khác khi tìm cách làm thân hai cô em họ của Hằng. Nhà gần nhau nên mỗi lần anh hàng xóm về thăm quê cũng không quên qua thăm nhà Hằng và để lại ấn tượng rất tốt với bố mẹ của cô nên họ cũng vun vào cho hai người.
Hai cô em họ của Hằng thì được anh hàng xóm dốc hết ruột gan, tâm sự tình cảm với Hằng nên cũng ra mặt ủng hộ. “Có lần, anh ấy mượn điện thoại gọi cho em và khóc… Anh nói rằng, anh rất nhớ em và không thể quên được em nên rất mong em hãy nhận điện thoại, trả lời tin nhắn của anh ấy nhưng em vẫn không có bất kỳ một hồi âm nào”, Hằng kể lại.
Âm thầm theo đuổi Hằng 2 năm không được, anh hàng xóm quyết định nhắn tin “xin cuộc gặp lần cuối, trước khi quyết định chuyển công tác vào Nam”. Được Đạt khuyến khích (mỗi dòng tin nhắn si tình từ anh hàng xóm, Hằng đều cho Đạt xem để mong Đạt vững tin vào tình yêu mà cô dành cho Đạt), Hằng nhận lời đến điểm hẹn. Cô không ngờ, cái hẹn chia tay này lại làm cô xao lòng đến thế.
Hằng kể: “Anh ấy đến mang theo tất cả những món quà đã chuẩn bị cho em vào mỗi dịp lễ trong 2 năm qua mà không có cơ hội để tặng. Em thực sự bất ngờ và lặng người đi trước tình cảm chân thành của anh ấy. Rồi anh ấy khẩn khoản, em hãy lắng nghe tất cả những lời nói của anh ấy trong buổi tối đó, đừng đứng dậy trước khi anh ấy chưa dừng lời. Em thấy trong hình ảnh, lời nói của anh ấy có hình ảnh em của mấy năm về trước, khi không liên lạc được với anh Đạt. Và em đã khóc”.
Nói đến đây, Hằng im lặng, tôi có cảm giác như cô vẫn còn xúc động khi kể lại cuộc gặp đã diễn ra hơn một năm nay. Phải trấn tĩnh một lúc lâu, Hằng mới kể tiếp: “Sau khi giãi bày tất cả tình cảm của mình, anh ấy quay sang phân tích cho em thấy anh ấy có điều kiện tốt hơn rất nhiều để chăm sóc và lo lắng tương lai cho em. Anh ấy bảo sẽ không để em phải cô độc vào mỗi dịp lễ, mỗi ngày Valentine… Đúng là anh ấy đã chạm đến nỗi niềm thầm kín nhất của em. Em đã từng thấy rất tủi thân mỗi khi bạn bè xúng xính quần áo đi chơi với người yêu. Mỗi dịp lễ, khi anh Đạt gọi điện, em đều phải giấu những giọt nước mắt của mình… Em chưa bao giờ dám khóc hay tỏ ra yếu đuối trước mặt anh Đạt vì em sợ làm anh ấy phải suy nghĩ”.
Hằng cho biết, anh hàng xóm còn nói rằng, hãy để anh ta được âm thầm đi bên cạnh và được chia sẻ mọi vui buồn với cô. Thậm chí anh ta sẵn sàng để Hằng tiếp tục chăm sóc cho Đạt và sẵn lòng cùng cô lo lắng cho Đạt.
“Bao lâu rồi em không nhận được tin nhắn của người này”? Hằng tinh nghịch nheo mắt nhìn Đạt rồi trả lời: “Mỗi dịp lễ anh ấy vẫn nhắn tin hỏi thăm và chúc mừng, vẫn nhắc lại lời nhắn “anh sẽ chờ em”. Em chưa bao giờ trả lời bất kỳ một tin nhắn nào vì sợ, dòng hồi âm của mình sẽ gieo cho anh ấy hy vọng cũng có nghĩa là làm anh ấy đau khổ thêm. Em vẫn trêu anh Đạt là vì em yêu Đạt nhiều hơn anh hàng xóm yêu em nên anh hàng xóm “hãy đợi đấy”. Nói rồi cô gái cười vang, không quên đưa mắt nhìn người yêu đang chăm chú lắng nghe câu chuyện của chúng tôi.
Theo Đời sống & Hôn nhân